Hà Tĩnh: Hến sông La – Món quà của lòng sông

Dưới làn nước trong veo của dòng La hiền hòa, những con hến nhỏ bé đã lặng lẽ vun đắp sự sống, nuôi lớn bao thế hệ người dân Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Không chỉ là món ăn dân dã thấm đượm hồn quê, hến nơi đây còn là biểu tượng của sự bền bỉ, là mạch nguồn văn hóa chảy suốt hơn 300 năm – nâng niu giấc mơ con chữ, gìn giữ hồn làng qua từng thế hệ.

Nghề truyền thống bên dòng La

Tại xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), nghề cào hến trên dòng sông La trong xanh không chỉ là kế sinh nhai, mà đã trở thành một phần máu thịt, là ký ức chan chứa tự hào của bao thế hệ suốt hơn 300 năm.

Dòng La uốn lượn ôm ấp làng quê trù phú, mang theo phù sa bồi đắp ruộng đồng và sản sinh ra thứ đặc sản nức tiếng – hến sông La. Từ loại hến nhỏ bé ấy, người dân nơi đây đã tạo nên những món ăn dân dã, đậm đà bản sắc quê hương, gói trọn trong đó vị ngọt của đất, hồn trong của nước và tình người xứ Nghệ.

Làng hến truyền thống bên bờ sông La
Làng hến truyền thống bên bờ sông La

Mỗi sớm tinh mơ, khi màn sương còn lãng đãng phủ mặt sông, người dân Trường Sơn lại lặng lẽ chèo thuyền xuống dòng La, bắt đầu hành trình mưu sinh giữa mênh mang sóng nước. “Mùa nước bạc” – mùa hến sinh sôi – cũng là mùa của nhọc nhằn chan mồ hôi, nhưng thấm đẫm niềm hy vọng, bởi trong lớp bùn non kia là “lộc trời” nuôi sống biết bao mái nhà ven sông.

Nghề mưu sinh từ lòng sông

Trước kia, dụng cụ cào hến là gàu tre nối sào dài 3–5m. Ngày nay, nhiều gia đình đã có thuyền máy, gàu sắt, giúp việc cào hến hiệu quả hơn. Đàn ông chuyên cào, phụ nữ đảm nhiệm khâu đãi, nấu và bán hến.

Hến mang về được các bà các chị mang đi luộc
Hến mang về được các bà các chị mang đi luộc

“Bám sông mà sống riết thành quen. Nghề cực nhưng nghĩa tình lắm”, bà Dương Thị Bính (70 tuổi) chia sẻ khi đang đãi hến bên bến nước.

Mỗi ngày, người khéo có thể cào được 20–30kg hến tươi, nhưng không phải hôm nào cũng may mắn – thủy triều, thời tiết đều ảnh hưởng lớn đến sản lượng.

Hến phải luộc trên bếp củi với lửa lớn
Hến phải luộc trên bếp củi với lửa lớn

Hến cào về được mang đi rửa sạch, luộc đến khi con hến mở miệng, bắt đầu lấy một đôi đũa dài khuấy thật mạnh vào nồi để những con hến nhả ra khỏi vỏ, lúc đó mới tách nước ra và đưa chúng đi đãi. Nước luộc giữ lại để nấu canh – một thứ “nước ngọt tinh túy” đặc trưng. 1kg hến tươi chỉ cho khoảng 2 lạng thịt, đủ thấy công sức bỏ ra nhiều đến nhường nào.

Gánh giấc mơ chữ nghĩa

Hến sông La không chỉ là món quà quê dân dã, mà còn là “lộc nước” giúp bao gia đình nơi bãi bồi ven sông Trường Sơn có nguồn thu nhập ổn định, nuôi con ăn học nên người. Từ những mái tranh đơn sơ nép mình bên dòng La, đã có hàng trăm em nhỏ khôn lớn thành tài, nhiều người trở thành cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ – mang theo ước mơ quê hương vươn xa.

“Từng có thời, nghề cào hến chỉ đủ lo cái ăn cái mặc. Giờ đây, nhờ biết phát triển, giữ nghề, nhiều nhà đã có điều kiện cho con học hành đến nơi đến chốn”, ông Thái Kim Đồng – Bí thư Chi bộ thôn Bến Hến – tự hào chia sẻ.

Giữ lửa làng nghề trăm năm

Làng Bến Hến – cái tên gắn với lịch sử của nghề hến – giờ đây đã thay da đổi thịt. Chính quyền xã Trường Sơn đã quy hoạch khu chế biến hến dài 400m ven sông La, với các lán trại kiên cố, đảm bảo vệ sinh, an toàn và thân thiện môi trường.

Hến luộc xong được mang ra sông La để đãi
Hến luộc xong được mang ra sông La để đãi

Hiện nay, xã Trường Sơn có gần 60 hộ gắn bó thường xuyên với nghề cào hến, cùng hàng chục hộ làm theo mùa vụ. Với giá bán ổn định khoảng 150.000 đồng/kg hến ruột, vào mùa cao điểm, người dân có thể thu nhập từ 500.000 đến 2 triệu đồng mỗi ngày – một con số không nhỏ từ nghề sông nước.

Thế nhưng, nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi này cũng đang đứng trước nhiều thách thức: biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới sản lượng, lớp trẻ dần rời xa sông nước, và nguy cơ ô nhiễm nếu không kiểm soát chặt chẽ khâu khai thác, sơ chế.

Để gìn giữ và nâng tầm thương hiệu, xã Trường Sơn đang tích cực xây dựng nhãn hiệu tập thể “Hến sông La”. Ông Nguyễn Văn Hoài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất hiện nay là kiểm soát đầu vào – yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng và uy tín sản phẩm.”

Gắn với định hướng phát triển du lịch trải nghiệm trên dòng La thơ mộng, làng nghề hến Trường Sơn đang thắp lên kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn – nơi du khách không chỉ được thưởng thức đặc sản trứ danh, mà còn lắng nghe câu chuyện văn hóa, lao động và khát vọng vươn lên từ bãi bồi, dòng chảy của quê hương.

Diễm Phước