Hà Tĩnh tổ chức lễ hội Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt

Lễ hội Tết Lấp lỗ được tổ chức nhằm gìn giữ, lưu truyền, phổ biến, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp về văn hóa dân gian, nghi lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt.

Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh.
Độc đáo Tết Lấp lỗ của đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh.

Ngày 22/8, tại bản Rào Tre (xã Hương Liên, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), Ủy ban Nhân dân huyện Hương Khê phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức Lễ hội Tết Lấp lỗ cho đồng bào dân tộc Chứt.

Tết Lấp lỗ của người dân tộc Chứt được tổ chức vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm với ý nghĩa “cắm lỗ, gieo hạt”. Bà Hồ Thị Kiên- Trưởng bản Rào Tre đọc khai hội buổi lễ: Vậy là việc gieo trỉa đã xong, trên rẫy dưới đồng hạt giống đã được lấp kín chờ ngày lên mầm đâm chồi nẩy lộc. Làng ta lại tề tựu về đây mừng cái Tết Lấp lỗ để cảm tạ trời đất và báo cáo với các vị thần linh, với con ma rừng và những người đã khuất. Kính mời các ngài cùng về đây cùng ăn uống, hát hò nhảy múa vui với bản làng chúng ta. Xin các vị thần linh, con ma rừng và những người đã khuất ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng no đủ.

Người Chứt tổ chức Tết để ăn mừng, làm lễ cảm tạ trời đất.
Người Chứt tổ chức Tết để ăn mừng, làm lễ cảm tạ trời đất.

Đây là ngày hội lớn của thanh niên và bà con dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh. Lễ hội cũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thế hệ, nhất là của thế hệ trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Chứt.

Lễ hội gồm 2 phần, phần lễ gồm các nội dung: Khai mạc; dựng cây nêu, cột lễ; cung nghinh lễ vật; nghi thức cúng lễ. Phần hội gồm các hoạt động dân ca, dân vũ vui Tết Lấp lỗ; vui hội trò chơi dân gian.

Tại lễ hội, người Chứt dựng cột lễ và 4 cây nêu là biểu tượng cho 4 phương Đông - Tây - Nam - Bắc. Cây nêu, cột lễ là biểu tượng tâm linh của bản làng, là nơi để thần linh trú ngụ và hưởng dùng các lễ vật hiến tế. Các lễ vật sẽ được bà con mang lên thờ cúng ở cột lễ.

Tại lễ cúng, người Chứt sẽ có những phong tục truyền thống như già làng sẽ lấy quẻ là 2 mảnh đặt trên chiếc rựa khấn nguyện thần linh giúp dân bản tránh cái xui và đưa đến cho làng cái may, cái phúc. Sau khi cũng bái, làm lễ xong tất cả bà con trong bản sẽ tập trung nhảy múa xúng quanh cột lễ, hi vọng một năm sẽ nhiều may mắn.

Nhiều tiết mục đặc sắc trong lễ hội.
Nhiều tiết mục đặc sắc trong lễ hội.

Đây được xem là nét đẹp văn hóa mà vẫn được người dân gìn giữ, phát huy. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện, các cơ quan đoàn thể xã Hương Liên, Đồn Biên phòng Bản Giàng, Tổ công tác bản Rào Tre luôn quan tâm, chăm lo đời sống đồng bào dân tộc Chứt, giúp cho đời sống của bà con ngày càng được nâng lên.

Vui hội trò chơi dân gian cùng đồng bào.
Vui hội trò chơi dân gian cùng đồng bào.

Nhân dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh và Đồn Biên phòng Bản Giàng trao tặng 46 suất quà cho bà con (mỗi suất 500.000 đồng gồm quà và tiền mặt).

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trao tặng 46 suất quà, mỗi suất trị giá 640.000 đồng gồm các đồ dùng gia dụng; huyện Hương Khê tặng 46 suất quà, mỗi suất trị giá 550.000 đồng gồm thịt lợn, bánh chưng, nước mắm, mì chính, dầu ăn và gạo nếp.

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trao quà cho bà con đồng bào dân tộc Chứt.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng trao quà cho bà con đồng bào dân tộc Chứt.

Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Hà Tĩnh cũng trao tặng bà con bản Rào Tre 200 cây giống phát triển kinh tế.

Trước đó, Tỉnh Đoàn đã triển khai hoạt động khám, cấp phát thuốc miễn phí cho 250 người dân tộc Chứt, đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Hương Liên.

Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh trao quà cho chị em phụ nữ bản Rào Tre.
Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh trao quà cho chị em phụ nữ bản Rào Tre.

Được biết, bản Rào Tre hiện có 46 hộ dân tộc Chứt với 155 nhân khẩu sinh sống. Nhiều năm nay, được sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, Bộ đội Biên phòng, các đoàn thể... nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Chứt ngày càng tiến bộ, đổi mới và phát triển. Người dân tích lũy tiết kiệm, sản xuất lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rừng, trồng rau màu các loại để phục vụ cuộc sống.

Hoài Thanh – Diễm Phước