Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Quân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Theo Đài Khí tượng Thủy văn thành phố, bão WIPHA đã tiến vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2025. Hồi 7h ngày 19/7, tâm bão ở khoảng 20,0° Vĩ Bắc; 119,8° Kinh Đông, với sức gió mạnh nhất cấp 9 (75–88 km/h), giật cấp 12. Trong 24 giờ tới, bão được dự báo di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ 20–25 km/h, tiếp tục mạnh thêm. Cấp độ rủi ro thiên tai được xác định ở mức cấp 3.
Trước diễn biến phức tạp của bão, UBND thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc Công điện của Bộ Nông nghiệp và Môi trường ngày 17/7, đồng thời triển khai khẩn trương các phương án ứng phó.
Kích hoạt đồng bộ hệ thống ứng phó tại cơ sở
Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố duy trì chế độ trực nghiêm túc, rà soát các phương án, hiệp đồng lực lượng và phương tiện sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể phát sinh. Bộ đội Biên phòng thành phố chỉ đạo thông báo đến ngư dân, chủ tàu, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản nắm bắt thông tin bão, chủ động di chuyển đến nơi an toàn.
Sở Nông nghiệp và Môi trường đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, hồ đập, thủy lợi. Các công trình đang thi công phải có biện pháp đảm bảo an toàn ngay từ đầu, tránh phát sinh sự cố.
Chi cục Quản lý tài nguyên nước và Phòng chống thiên tai – Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & Phòng thủ dân sự thành phố tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, kịp thời tổng hợp thông tin và dự thảo Công điện ứng phó của Chủ tịch UBND thành phố.
Bão WIPHA đã đi vào biển đông và đang mạnh lên, đe dọa trực tiếp các tỉnh, thành ven biển phía Đông Bắc. Ảnh: Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Hải Phòng.
Đài Khí tượng Thủy văn thành phố liên tục cập nhật các bản tin dự báo và cảnh báo gửi tới các cơ quan, địa phương. Các xã, phường tổ chức phát thanh cảnh báo trên hệ thống truyền thanh cơ sở, chuẩn bị vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Toàn thành phố đã gieo cấy 56.000 ha lúa mùa (đạt 70% kế hoạch), 12.000 ha rau màu vụ hè thu, 28.730 ha cây ăn quả và gần 21.700 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Tại khu vực Cát Bà có khoảng 9.900 ô lồng và 7 giàn bè nuôi biển. Các công ty thủy lợi đã chủ động hạ mực nước đệm, chuẩn bị trạm bơm và phương án chống úng.
Về tình hình tàu thuyền, tính đến 7h ngày 19/7, các lực lượng chức năng đã thông báo cho 1.657 phương tiện với 4.668 lao động, 157 lồng bè với 289 lao động và 3 chòi canh với 6 lao động đang hoạt động hoặc neo đậu trên biển nắm bắt diễn biến thời tiết và chủ động phòng tránh.
Theo dõi đặc biệt 63 trọng điểm đê điều
Trên toàn thành phố hiện có 63 trọng điểm đê, kè, cống được đưa vào diện theo dõi trọng điểm. Các xã, phường và đơn vị chức năng đã hoàn thiện phương án bảo vệ, đồng thời phân công cán bộ kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vị trí xung yếu nhằm đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.
Chỉ đạo của lãnh đạo thành phố
Phát biểu tại cuộc họp sáng 19/7, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Quân nhấn mạnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động hoàn thiện kịch bản ứng phó phù hợp với từng tình huống cụ thể, tổ chức thực hiện nghiêm túc, thống nhất, không để xảy ra tình trạng bị động trong chỉ đạo, điều hành.
Đồng chí giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các đơn vị kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT, TKCN & Phòng thủ dân sự thành phố; đề xuất phương án cấm biển, sơ tán dân cư, di dời lồng bè khỏi khu vực nguy hiểm và chuẩn bị kịch bản hỗ trợ nhu yếu phẩm khi cần thiết.
Trước 12h ngày 19/7, các ngành phải gửi văn bản góp ý và đề xuất cụ thể phương án ứng phó, để Sở NN&MT tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét chỉ đạo.
Sở Công Thương được giao phối hợp với ngành điện lực bảo đảm an toàn hệ thống cung cấp điện phục vụ chỉ đạo, điều hành; đồng thời xây dựng phương án đảm bảo hoạt động cầu cảng, chuỗi cung ứng hàng hóa trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Ngô Quảng