Hành trình phục hồi gốm sứ tâm linh bằng hơi thở đương đại của nữ nghệ nhân 8x

Luôn đau đáu tâm nguyện phục hồi lại hoa văn cổ, tạo bước đột phá cho gốm sứ tâm linh đang dần bị quên lãng, sau 3 năm đắm chìm trong từng thớ đất, nữ nghệ nhân Vũ Như Quỳnh đã đạt được những thành công ngoài mong đợi.

May mắn có cơ duyên được gặp nghệ nhân Vũ Như Quỳnh trong một ngày cuối thu nhân dịp lễ kỷ niệm 20/10, chúng tôi bất ngờ khi người đón tiếp mình lại là một người phụ nữ trẻ trung với vóc dáng nhỏ nhắn.

Hành trình phục hồi gốm sứ tâm linh bằng hơi thở đương đại của nữ nghệ nhân 8x - Ảnh 1Nghệ nhân Vũ Như Quỳnh chăm chút cho từng chi tiết của sản phẩm, làm gốm vừa để tiếp nối truyền thống vừa để thỏa mãn đam mê.

Chị Quỳnh hiện đang là Giám đốc Công ty TNHH MTV Gốm sứ Vạn An Lộc tại Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Chia sẻ với PV về cơ duyên gắn bó với nghề “phu đất”, chị Quỳnh cho biết, dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống lâu đời làm gốm nhưng ban đầu, chị đã chọn học ngành thiết kế thời trang ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.

“Sau khi ra trường, tôi vẫn làm nghề mình đã theo học và mở thêm một cửa hàng về gốm sứ. Trong quá trình kinh doanh, tôi nhận thấy thị trường về đồ tâm linh khá triển vọng, đặc biệt là thiếu hẳn dòng cao cấp nên tôi bắt đầu lao vào nghiên cứu cũng như lên ý tưởng cho các sản phẩm. Từ đó, tôi quyết định sẽ theo đuổi nghề gốm của gia đình và không nghĩ bản thân lại say mê với nó đến vậy”, chị Quỳnh chia sẻ.

Cũng theo nghệ nhân Vũ Như Quỳnh, vào thời điểm năm 2015 về trước đó thì mọi người chỉ làm ra những sản phẩm gốm 3D đơn giản như đắp hoa hồng lên trên bình. Song, về các mặt hàng đồ gốm phục vụ tâm linh thì chưa từng có ai ứng dụng kỹ thuật này. Chủ yếu các doanh nghiệp đều nhập từ nước ngoài, những mặt hàng mang đậm nét văn hóa Việt là rất ít.

Một bộ gốm sứ tâm linh hoàn chỉnh của Vạn An Lộc
Một bộ gốm sứ tâm linh hoàn chỉnh của Vạn An Lộc

Nghĩ là làm, chị Vũ Như Quỳnh đã bắt đầu bằng ý tưởng phục hồi lại họa tiết hoa văn cổ như hoa mẫu đơn, đào, chim công, rồng chầu mặt nguyệt… bảo tồn nước men rạn ở các bình gốm cổ xưa nhưng mang hơi thở đương đại. Bằng cách đó, nữ nghệ nhân trẻ vừa có thể giữ gìn được văn hóa, bản sắc gốm Việt mà vẫn đáp ứng được sự khó tính vốn có của thị trường ngày nay.

Thế nhưng, chẳng con đường nào đi đến thành công lại trải sẵn hoa hồng. Ba năm âm thầm thử nghiệm đắp nổi hoa văn cổ trên bình gốm cũng là từng ấy thời gian chị phải đập bỏ hàng nghìn sản phẩm.

“Ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn. Bởi khi làm đắp nổi 3D đòi hỏi kỹ thuật đắp phải tỉ mỉ, khéo léo; phương đất khi kết hợp với họa tiết đắp ở trên sản phẩm lọ, bình phải làm sao để không bị nứt, vỡ; làm thế nào để đạt hiệu quả thẩm mỹ… là những khó khăn mà tôi cần phải nghiên cứu rất kỹ. Ban đầu hỏng rất nhiều, nhưng từ đấy tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm để có thể chỉnh lý sản phẩm sao cho đẹp, đạt giá trị thẩm mỹ cũng như là phù hợp với những tính chất đặc trưng của đồ tâm linh”, chị Quỳnh cho hay.

Bên cạnh hình dáng và các họa tiết trên sản phẩm thì màu sắc cũng là một yếu tố mà chị Quỳnh đặc biệt lưu tâm. Nữ nghệ nhân gốm sứ đã tạo ra các khối sáng- tối đậm nhạt nhằm kích thích hiệu ứng 3D cho thị giác. Trong đó, phải đặc biệt kể đến kỹ thuật vô cùng táo bạo là dát vàng lên hoa văn giúp gốm sứ của Vạn An Lộc tăng thêm giá trị.

Sau muôn vàn khó khăn, Vạn An Lộc khi mới khởi điểm chỉ có 3 người thì đến nay đã có150 công nhân. Hiện nay, công ty đang có 20 đại lý lớn trên cả nước chuyên cung cấp, phân phối dòng hàng tâm linh mang thương hiệu Vạn An Lộc.

Hành trình phục hồi gốm sứ tâm linh bằng hơi thở đương đại của nữ nghệ nhân 8x - Ảnh 2

Công ty càng phát triển thì thời gian, công sức chị Quỳnh phải dành cho xưởng gốm càng nhiều, vậy làm sao để chị có thể cân bằng giữa công việc với cuộc sống thường ngày và hoàn thành trọng trách của một người mẹ, người vợ là một điều không hề dễ dàng.

Chị Quỳnh thực tâm chia sẻ, trước kia đã không ít lần ăn ngủ tại xưởng để có thể chuyên tâm nghiên cứu, thực hiện những dòng sản phẩm mới. Nhưng từ khi có con, chị luôn tự nhủ với bản thân dù bận rộn đến đâu cũng phải dành thời gian chăm sóc, trò chuyện cùng các con.

Cũng giống như những bà mẹ sinh ra từ làng gốm, chị Quỳnh luôn mong các con có thể tiếp tục giữ lửa nghề, tiếp nối cha ông để giúp Bát Tràng ngày càng phát triển hơn. Tuy nhiên, do các bé vẫn còn nhỏ nên chị không đặt quá nặng vấn đề nghề nghiệp mà sẽ sẵn sàng lắng nghe, cùng con phát triển sở thích của riêng mình.

Nói về những định hướng, mong ước trong tương lai nhân dịp ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10,nghệ nhân Vũ Như Quỳnh cho biết, sẽ cố gắng đưa sản phẩm gốm Vạn An Lộc xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.

“Nhưng điều trước mắt tôi vẫn luôn suy nghĩ là làm thế nào để sản phẩm gốm của mình ngày càng có những sản phẩm không những đẹp, chất lượng đến tay người tiêu dùng mà mỗi sản phẩm lại là một câu chuyện, một nét văn hóa mang đậm bản sắc Việt. Để thế hệ trẻ hôm nay và các du khách quốc tế có thể hiểu rõ hơn về đặc trưng văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam”, nữ nghệ nhân gốm sứ 8X cho hay.

Thanh Phong – Nguyễn Phượng

Từ khóa: