Hành trình tỏa sáng di sản văn hóa Việt trên trường quốc tế

Vào lúc 13 giờ 02 phút ngày 12/7/2025 (giờ Paris), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO, một dấu mốc lịch sử đã được xác lập: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức được ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới.

Sự kiện trọng đại này không chỉ đưa văn hóa Việt Nam thêm một lần nữa tỏa sáng trên bản đồ di sản nhân loại, mà còn là kết quả của hành trình bền bỉ, đầy tâm huyết kéo dài hơn 13 năm. Đó là hành trình của ý chí kiên định, trí tuệ tập thể và lòng tự hào dân tộc – hội tụ thành một khoảnh khắc vinh quang mang tầm quốc gia và giá trị toàn cầu.

Hành trình tỏa sáng di sản văn hóa Việt trên trường quốc tế - Ảnh 1
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới dạng chuỗi đầu tiên và là Di sản liên tỉnh thứ hai trong tổng số 9 Di sản Thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới dạng chuỗi đầu tiên và là Di sản liên tỉnh thứ hai trong tổng số 9 Di sản Thế giới tại Việt Nam được UNESCO công nhận

Di sản kết tinh trí tuệ, tâm linh và bản sắc Việt

Hồ sơ đề cử di sản được Việt Nam khởi động từ năm 2012, với sự phối hợp chặt chẽ cùng tổ chức ICOMOS – cơ quan tư vấn chuyên môn của UNESCO. Sau 13 năm nỗ lực, hồ sơ đã chứng minh được giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể di tích, đáp ứng đầy đủ hai tiêu chí (iii) và (vi) theo Công ước Di sản Thế giới.

Tâm điểm của quần thể là Thiền phái Trúc Lâm – dòng thiền độc nhất vô nhị do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII. Từ một vị vua thoái vị để tu hành, Trần Nhân Tông đã kiến tạo nên hệ tư tưởng thấm đẫm tinh thần từ bi, hòa hợp ba dòng chảy lớn: Phật giáo Đại thừa, Nho giáo và Đạo giáo, đồng thời kết nối sâu sắc với tín ngưỡng dân gian bản địa.

Dấu ấn đó được hiện diện rõ ràng qua hệ thống chùa chiền, am tháp, bia ký, mộc bản… phân bố hài hòa trong cảnh quan núi rừng linh thiêng. Không gian di sản không chỉ là nơi lưu giữ giá trị tâm linh mà còn là dòng chảy văn hóa – lịch sử liên tục với các lễ hội lớn như Yên Tử, Côn Sơn – Kiếp Bạc – những mùa lễ hội đã đi sâu vào tâm thức bao thế hệ người Việt.

Cảnh quan kỳ vĩ tại đỉnh chùa Đồng Yên Tử
Cảnh quan kỳ vĩ tại đỉnh chùa Đồng Yên Tử

Một hành trình bền bỉ và đồng thuận

Để có được vinh quang hôm nay, là cả một chặng đường chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng và đồng lòng từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, ba địa phương Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương đã phát huy tinh thần hợp lực, cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các chuyên gia quốc tế xây dựng hồ sơ một cách bài bản, thuyết phục.

Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và các đại biểu tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp
Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương và các đại biểu tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản thế giới tại Pháp

Sự kiện này còn ghi nhận sự tham gia sâu rộng của cộng đồng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giới học giả, doanh nghiệp và các tổ chức truyền thông. Đặc biệt, sự ủng hộ tuyệt đối của 21 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới là minh chứng rõ ràng cho sức lan tỏa và giá trị toàn cầu của quần thể di tích.

Quản lý liên tỉnh: Thách thức của tầm vóc

Với tổng diện tích vùng lõi 525,75 ha và vùng đệm hơn 4.380 ha, trải rộng trên địa bàn ba tỉnh, thành phố, quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản chuỗi đầu tiên và là di sản liên tỉnh thứ hai của Việt Nam.

Điều này đặt ra yêu cầu mới về cơ chế quản lý: thống nhất trong phối hợp, hài hòa trong lợi ích, và nhất quán trong chiến lược bảo tồn. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hải Phòng cho biết, thành phố sẽ chủ động phối hợp với Quảng Ninh và Bắc Giang xây dựng cơ chế điều phối liên ngành, tổ chức hội thảo chuyên sâu và mời các chuyên gia quốc tế cùng tham gia hoạch định các kế hoạch hành động theo đúng tinh thần Công ước 1972 của UNESCO.

Từ Cát Bà đến Côn Sơn – Kiếp Bạc: Hợp lực di sản, phát triển bền vững

Việc Cát Bà được công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 2023 đã tạo ra bước đệm quan trọng để Hải Phòng đẩy mạnh chiến lược quảng bá hình ảnh di sản. Những chiến dịch truyền thông trên CNN, mạng xã hội quốc tế, tại sân bay, hàng không… đã góp phần đưa Cát Bà vươn ra thế giới như một điểm đến sinh thái hấp dẫn hàng đầu châu Á.

Từ kinh nghiệm quý báu đó, Hải Phòng đang gấp rút triển khai kế hoạch truyền thông riêng cho cụm di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, kết hợp đầu tư hạ tầng, đào tạo nhân lực, phát huy di sản phi vật thể gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Mục tiêu là tạo ra chuỗi giá trị bền vững, biến di sản thành động lực phát triển kinh tế – xã hội, góp phần nâng cao đời sống người dân, đồng thời bảo tồn nguyên vẹn các giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh.

Tự hào là chưa đủ, cần hành động trách nhiệm

Danh hiệu Di sản Thế giới là niềm vinh dự lớn, nhưng cũng là lời nhắc nhở về trách nhiệm bảo tồn và phát huy. Quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc không chỉ thuộc về Việt Nam, mà đã trở thành di sản của nhân loại.

Do đó, hành trình phía trước là xây dựng các chính sách quản lý hiệu quả, phát triển du lịch có trách nhiệm, lan tỏa tinh thần di sản tới thế hệ trẻ và cộng đồng quốc tế.

13 năm chuẩn bị là để mở ra một chặng đường mới – chặng đường giữ gìn, tôn vinh và lan tỏa giá trị di sản trong nhịp sống hiện đại, để những gì tinh hoa nhất của cha ông tiếp tục soi sáng hiện tại và bền vững với mai sau.

Ngô Quảng