Hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại có bị xử lý?

Mang thai hộ vì mục đích thương mại là một trong những vấn đề được Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật hình sự tại điều 187, hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt tương ứng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, Khoản 1 Điều 60 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định: “Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, sinh sản vô tính, mang thai hộ vì mục đích thương mại”. Đồng thời, người vi phạm còn bị ap dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 2 của Điều này là “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này”.

Ngoài ra, căn cứ quy định của Bộ luật hình sự tại điều 187: Hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại không bị xử phạt hành chính mà sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, với mức phạt tương ứng như sau:

- Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

- Trường hợp tổ chức mang thai hộ đối với hai người trở lên hoặc phạm tội 02 lần trở lên hoặc lợi dụng danh nghĩa của cơ quan tổ chức (như bệnh viên...) hoặc tái phạm nguy hiểm thì sẽ bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

- Hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Mặc dù quy định của Luật hôn nhân và gia đình cấm việc một người phụ nữ mang thai hộ vì mục đích thương mại. Nhưng khi xử lý hình sự lại không xử lý người mang thai hộ mà đối tượng bị xử lý lại là người tổ chức việc mang thai hộ chứ không phải những người nhờ mang thai hay trực tiếp mang thai. Trong khi đó, lại không có định nghĩa người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là người như thế nào?

Người tổ chức mang thai hộ có thể hiểu là người đứng ra thực hiện các hành vi để hỗ trợ bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ tiến hành việc mang thai hộ, các hành vi hỗ trợ thường thấy là: tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu mang thai hộ gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, sắp xếp, tạo điều kiện và hỗ trợ về các phương tiện... Mục đích cuối cùng của người thực hiện hành vi là vì mục đích thương mại.

Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại

Đối với chủ thể: Người phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là người có năng lực chịu trách nhiệm hình sự ( theo quy định của Bộ luật hình sự là người từ đủ 16 tuổi trở lên) và là người đứng ra thực hiện tất cả các hành vi phạm tội để tổ chức việc mang thai hộ vì mục đích thương mại. Điều đó có nghĩa, ở tội phạm này pháp luật chỉ xử lý hình sự với người tổ chức cho việc mang thai hộ diễn ra để thu lợi chứ không phải bên nhờ mang thai hay bên mang thai.

Mặt khách quan: Tội phạm tổ chức mang thai hộ gồm tổng hợp nhiều hành vi khác nhau từ việc tạo điều kiện cho bên có nhu cầu mang thai gặp gỡ, trao đổi, và hỗ trợ phương tiện để các bên tiến hành việc mang thai hộ. Mục đích của người tổ chức mang thai hộ trong trường hợp này là nhận được lợi ích vật chất của bên nhờ mang thai hộ; mục đích mang thai không phải là yếu tố quyết định việc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan: Người thực hiện hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thực hiện hành vi với lỗi cố ý, tức họ hiểu rõ hành vi mình thực hiện là không được phép, biết được hậu quả nhưng vẫn chủ động thực hiện.

Thanh Phong - Trường Giang