Nhiệt huyết, hết lòng vì công việc, chị Trương Thị Duyên, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Thọ Hạ (xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, Quảng Bình) đã giúp nhiều hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Đến xã Quảng Sơn, chị Trương Thị Duyên được nhiều người biết đến. Năm 2021, chị tham gia làm cán bộ Chi hội Phụ nữ và được tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Hiện Tổ Tiết kiệm và Vay vốn do chị làm tổ trưởng có 46 tổ viên vay vốn với dư nợ gần 2,7 tỷ đồng. Các hội viên chủ yếu vay vốn chương trình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, nước sạch vệ sinh môi trường, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm.
Chị Trương Thị Duyên chia sẻ, quan trọng nhất là việc tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức trong vay vốn. Bởi đa số người dân chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế, chỉ vay để giải quyết khó khăn trong lúc túng thiếu. Để người dân hiểu được vai trò, ý nghĩa của nguồn vốn tín dụng chính sách, chị và các thành viên trong tổ thường xuyên “đi tận ngõ, gõ tận nhà” để tuyên truyền, vận động. Chị luôn sâu sát, nắm bắt kịp thời từng hoàn cảnh gia đình, nhu cầu vay vốn của các thành viên trong tổ. Từ đó, hướng dẫn, tư vấn cho hội viên những chương trình tín dụng phù hợp để vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế.
Theo chị Trương Thị Duyên, quản lý nguồn vốn sau khi cho vay là khâu quan trọng nhất trong quá trình vay vốn. Vì nếu hộ vay sử dụng vốn không hiệu quả, sai mục đích thì đồng vốn ưu đãi sẽ không phát huy tác dụng, gây thất thoát vốn và nợ xấu sẽ tăng cao. Do đó, ngay từ khi hộ gia đình nhận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đã cùng cấp hội thường xuyên kiểm tra, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả; nhắc nhở hộ vay chủ động thu xếp trả nợ đúng thời hạn tại điểm giao dịch xã.
Hiện số tiền gửi tiết kiệm của các tổ viên tại Tổ Tiết kiệm và vay vốn do chị Trương Thị Duyên quản lý đạt trên 200 triệu đồng, với 100% tổ viên tham gia gửi tiền hàng tháng, số tiền gửi bình quân trên 80 ngàn đồng/người/tháng. Dưới sự quản lý của chị Trương Thị Duyên, tổ Tiết kiệm và Vay vốn luôn xếp loại tốt, không có lãi tồn đọng, không có nợ quá hạn, hộ vay chấp hành việc trả nợ đúng kỳ hạn.
Bản thân chị Duyên cũng mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và là điển hình trong phát triển kinh tế tại địa phương. Từ năm 2018, chị Trương Thị Duyên đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ba Đồn để chăn nuôi bò với số tiền 30 triệu đồng.
Hiện gia đình chị Duyên đang nuôi 6 con bò cùng lợn, gà, cho thu nhập kinh tế ổn định. Theo gương chị Duyên, nhiều chị em hội viên đã mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã để đầu tư phát triển mô hình chăn nuôi chuồng trại, gia súc, gia cầm; nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo, thu nhập kinh tế ổn định.
Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Ba Đồn Lê Quang Ngọ cho biết, chị Trương Thị Duyên là một Tổ trưởng năng động, nhiệt tình, hết lòng vì công việc quản lý vốn và làm tốt vai trò “cầu nối” giữa NHCSXH thị xã với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ chỗ luôn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các hộ vay, chị Duyên tuyên truyền họ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, trả lãi hàng tháng đúng kỳ hạn. Khi có khó khăn, vướng mắc, chị Duyên đều báo cáo với ngân hàng để giải quyết kịp thời, luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết. Kết quả xếp loại hằng tháng, Tổ tiết kiệm và vay vốn do chị Trương Thị Duyên làm Tổ trưởng luôn đạt loại tốt.
Theo thống kê, tỉnh Quảng Bình có 2.209 tổ Tiết kiệm và Vay vốn. Riêng thị xã Ba Đồn có 228 Tổ; trong đó, có 221 tổ xếp loại tốt, 6 tổ loại khá và 1 tổ xếp loại trung bình. Các tổ Tiết kiệm và Vay vốn trên địa bàn thị xã đã giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế hiệu quả.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết, thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai có hiệu quả giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng các tổ Tiết kiệm và Vay vốn, điểm giao dịch tại xã, thị trấn...nhằm đưa hoạt động NHCSXH tiếp tục có những đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Chỉ thị số 40-CT/TW đã chỉ đạo nhất quán tạo ra sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức, sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng từ Trung ương tới địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội, qua đó các chủ trương, chính sách được triển khai nhanh chóng, những khó khăn, vướng mắc được trực tiếp chỉ đạo giải quyết kịp thời tại cơ sở.Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, HĐND, UBND tỉnh và cấp huyện tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách hàng năm, ban hành quy chế quản lý, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để triển khai thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời chỉ đạo các Sở, ban ngành, địa phương rà soát các quỹ và vốn có nguồn gốc ngân sách tập trung vào một đầu mối NHCSXH để tập trung quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Đào Anh Tuấn cho biết: Để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện bộ máy tinh gọn, tiết giảm chi phí quản lý, NHCSXH đã thực hiện phương thức cho vay trực tiếp có ủy thác một số nội dung công việc thông qua các tổ chức chính trị - xã hội.Hoạt động nhận ủy thác từ NHCSXH đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tập hợp lực lượng, tăng số lượng hội viên, củng cố, nâng cao cả về số lượng, chất lượng phong trào hoạt động, góp phần củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở. Với phương thức này đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách kịp thời, góp phần thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.
Bùi Quốc Dũng