Hòa Bình: Chè shan tuyết “báu vật” của người Dao nằm trên núi Biều hùng vĩ

Ở xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào người Dao, nơi đây có rừng chè shan tuyết cổ thụ nằm trên núi Biều, được người dân coi là báu vật. Rừng chè được hấp thụ từ tinh hoa của đất trời để tạo ra thứ trà hảo hạng, quý hiếm.

Toàn cảnh xóm Sưng nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh xóm Sưng nhìn từ trên cao.

Cách xa trung tâm huyện hơn 20 km, địa hình đồi núi với độ cao gần 600m so với mặt nước biển, những con đường ngoằn ngoèo vắt lưng chừng qua các ngọn núi. Xóm Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình được biết đến là một trong những xóm đặc biệt khó khăn của tỉnh Hoà Bình. Người dân tại đây thường rủ tai nhau câu nói vui đùa: “Muốn lên được xóm Sưng thì phải sưng, phải mỏi hết cả hai đầu gối”. Nằm giữa chân núi Biều, xóm Sưng được bao bọc bởi những tán rừng tự nhiên với 76 hộ dân tộc người Dao Tiền sinh sống, nơi đây còn đang lưu giữ được những nét văn hoá cổ của người Dao Tiền. Ngoài sản xuất nông lâm nghiệp truyền thống, xóm Sưng còn được thiên nhiên ban tặng một loại chè đặc biệt, đó là cây chè Shan Tuyết.

Những cây chè shan tuyết cổ thụ mọc rải rác trong núi Biều của xóm Sưng, xã Cao Sơn.
Những cây chè shan tuyết cổ thụ mọc rải rác trong núi Biều của xóm Sưng, xã Cao Sơn.

Đặc biệt, xóm Sưng vốn là điểm đến thú vị để khám phá những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Dao. Theo Trưởng xóm Lý Văn Nghĩa, thời gian qua, bà con đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xóm ngày càng khang trang nhưng vẫn giữ nguyên được cảnh quan và môi trường trong lành. Những homestay được đầu tư bài bản ngày càng có nhiều dịch vụ đáp ứng tốt nhu cầu thăm quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng của du khách. Chè shan tuyết núi Biều đã có thương hiệu, được đóng gói với bao bì bắt mắt sẽ là một trong những thứ quà để du khách mang về mỗi lần đến bản. "Những cây chè cổ thụ nằm sâu trong rừng nên việc thu hái, chế biến rất kỳ công. Nhưng đổi lại, chè cho hương vị đặc biệt nên được du khách trong và ngoài tỉnh đánh giá cao” - ông Nghĩa chia sẻ.

Ngoài những cây chè cổ thụ mọc tự nhiên trong núi Biều, hiện nay, xóm Sưng có khoảng vài ha chè từ 15 - 20 năm tuổi và một số diện tích trồng mới. Với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, đây là điều kiện lý tưởng để bảo tồn và phát triển giống chè quý này.

Cây chè shan tuyết cổ thụ đã gắn bó hàng trăm năm với bà con người Dao. So với những loại chè khác thì chè shan tuyết có màu sắc, hương vị đặc biệt hơn hẳn. Nước trà có màu vàng óng, sau khi thưởng thức thì đọng lại vị ngọt trong miệng. Đặc biệt, uống lý trà shan tuyết mỗi ngày có rất nhiều tác dụng có lợi cho sức khỏe.

Những búp chè Shan Tuyết cổ thụ núi Biều xanh óng
Những búp chè Shan Tuyết cổ thụ núi Biều xanh óng.

Chè shan tuyết mọc rải rác trong núi Biều. Ngày xưa có rừng chè cổ thụ đến cả nghìn cây. Nhưng theo thời gian, một số cây già cỗi rồi chết, còn phần nhiều bị đốn hạ khi bà con phát nương làm rẫy. Hiện nay số lượng cây chè cổ thụ quý đã giảm đi nhiều. Đặc tính tự nhiên của loài cây quý này cũng khá đặc biệt. Chúng sinh trưởng phát triển trong sự nâng niu của cánh rừng già, nếu người dân phát quang các cây xung quanh thì sẽ làm giảm sự phát triển cùa chè shan tuyết, thậm chí có những cây bị chết. Vào tháng 2 và tháng 5 âm lịch là thời điểm thu hoạch búp chè có chất lượng cao nhất. Bởi lúc này chè được hấp thụ cái se lạnh của núi rừng đầy sương và cả tia nắng ấm áp của mùa xuân mới.

Người dân đang đóng gói chè thành phẩm.
Người dân đang đóng gói chè thành phẩm.

Ông Đinh Văn Thụ - Chủ tịch UBND xã Cao Sơn cho biết, trong Nghị quyết về phát triển kinh tế, du lịch, việc bảo tồn các loại cây có giá trị kinh tế cao được xã chú trọng, trong đó có những cây chè shan tuyết cổ thụ ở xóm Sưng. Xã hướng tới xây dựng chè shan tuyết trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn để du khách được thưởng thức, mang về mỗi khi đến thăm xã Cao Sơn, đặc biệt là bản du lịch cộng đồng xóm Sưng.

“Để đưa sản phẩm chè quý đến với khách hàng, mộ số hộ xóm Sưng đã thành lập tổ liên gia để phát triển sản phẩm chè shan tuyết, mở xưởng sản xuất, sao chế theo công nghệ mới. Xã Cao Sơn cũng thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn những cây chè cổ thụ ở núi Biều” - ông Thụ chia sẻ.

Thanh Phong/ VP Tây Bắc

Từ khóa:
#h