Hòa Bình: Huyện Cao Phong tập trung phát triển kinh tế xã hội

Về Cao Phong hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên bởi huyện miền núi nghèo khó năm nào nay đã hình thành nhiều khu dân cư mới, trụ sở các cơ quan hành chính được xây dựng khang trang, hệ thống giao thông được quy hoạch xây dựng đồng bộ… Là một huyện miền núi nhưng Cao Phong lại đi đầu trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh Hòa Bình.

Hạ tầng giao thông được phát triển khang trang gắn với xây dựng nông thôn trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Phi Long
Hạ tầng giao thông được phát triển khang trang gắn với xây dựng nông thôn trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Phi Long

Ông Quách Văn Ngoan - Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết: “Trong chín tháng đầu năm 2022, các hoạt động kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện có xu hướng phục hồi tích cực nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, UBND huyện đã chủ động bám sát sự chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân huyện triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, do đó tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm của huyện đã đạt được những kết quả nhất định, một số lĩnh vực đã có chuyển biến tích cực. Công tác xây dựng nông thôn mới được triển khai quyết liệt, hiệu quả. An sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện. Văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm được chú trọng. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự xã hội ổn định”.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, cây có múi ra hoa và tỷ lệ đậu quả cao, công tác gieo trồng vụ chiêm xuân, vụ hè thu hoàn thành đúng kế hoạch. Giá thành các mặt hàng nông sản chủ lực của huyện như cam, mía tím, mía trắng đều tăng, nhân dân phấn khởi khi nông sản được mùa và được giá. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tích lũy được kinh nghiệm, chăm sóc tốt, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên năng xuất, sản lượng một số cây trồng, vật nuôi chính đều tăng.

Các sản phẩm nông nghiệp như mía, cam…được bày bán tại dọc Quốc lộ 6 trên địa bàn huyện Cao Phong. Ảnh: Phi Long
Các sản phẩm nông nghiệp như mía, cam…được bày bán tại dọc Quốc lộ 6 trên địa bàn huyện Cao Phong. Ảnh: Phi Long

Trong đó, chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh. Duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến nay đã có 05 xã đạt các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới (gồm các xã Nam Phong, Tây Phong, Dũng Phong, Thu Phong, Bắc Phong), bình quân tiêu chí các xã đạt 16,67 tiêu chí/1 xã. Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với xã Hợp Phong và xã Bình Thanh.

Về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 9 tháng đầu năm ước đạt 286,9 tỷ (đạt 118,5% so với cùng kỳ năm 2021, bằng 88,3% kế hoạch năm). Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án số 07-ĐA/TU ngày 01/11/2021 của Tỉnh ủy Hòa Bình về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn huyện Cao Phong. Tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng chiến dịch giờ trái đất năm 2022.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về xây dựng tiếp tục được quan tâm. Tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản trong 9 tháng đầu năm ước đạt 70 tỷ đồng. Công tác cấp phép xây dựng được thực hiện đảm bảo theo đúng quy định. Hoàn thành điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/2000 thị trấn Cao Phong đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035. Thực hiện đồ án quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 đô thị Dũng Phong đến năm 2040. Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo trì đường bộ, công tác giao thông nông thôn. Tổ chức triển khai thực hiện năm an toàn giao thông 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn kết với kiểm soát hiệu quả dịch Covid - 19” với tinh thần “Vì sức khỏe, sinh mạng của người tham gia giao thông”.

Cao Phong không chỉ là mảnh đất được biết đến với cam ngọt, mía tím mà nơi đây còn có rất nhiều cảnh quan đẹp thiên nhiên ban tặng, đây sẽ là điều kiện tốt nhất để phát triển các khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, khu tâm linh dành cho du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Phi Long
Cao Phong không chỉ là mảnh đất được biết đến với cam ngọt, mía tím mà nơi đây còn có rất nhiều cảnh quan đẹp thiên nhiên ban tặng, đây sẽ là điều kiện tốt nhất để phát triển các khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, khu tâm linh dành cho du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Phi Long

Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch trong 9 tháng đầu năm 2022 khá sôi động khi đời sống sinh hoạt của người dân trở về trạng thái của những năm trước dịch Covid - 19 do dịch bệnh đã được kiểm soát, các hoạt động dịch vụ giải trí và du lịch lữ hành hoạt động trở lại. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ thương mại ước đạt 858 tỷ đồng (đạt 119% so với cùng kỳ năm 2021, bằng 84% kế hoạch năm). Các hoạt động kiểm tra, kiểm soát đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được tăng cường, đặc biệt  trong dịp Tết Nguyên đán và Tết Trung thu năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm, số khách đến thăm quan, du lịch trên địa bàn huyện ước đạt 194.040 lượt với doanh thu ước đạt 80 tỷ đồng.

Cùng với đó, lĩnh vực văn hóa - xã hội công tác giáo dục và đào tạo chỉ đạo các trường học tập trung triển khai thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và thực hiện đúng chương trình dạy và học theo kế hoạch năm học 2021 - 2022. Toàn huyện giữ vững và duy trì kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ mần non 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3, phổ cập giáo dục xóa mù chữ mức độ 2. Quy mô trường, lớp tiếp tục được sắp xếp, quy hoạch ngày càng hợp lý đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của học sinh. Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 được triển khai hiệu quả.

Cây mía tím hiện nay trên địa bàn huyện Cao Phong đang là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của bà con nông dân. Ảnh: Phi Long
Cây mía tím hiện nay trên địa bàn huyện Cao Phong đang là cây trồng chủ lực phát triển kinh tế của bà con nông dân. Ảnh: Phi Long

Trong những tháng cuối năm 2022, huyện Cao Phong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao ý thức phòng, chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh. Tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Có thể nói, những thành quả đạt được như trên sẽ là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Cao Phong tự tin trên hành trình xây dựng và phát triển quê hương, tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, bứt phá đi lên trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn./.

Phi Long - Thanh Phong/VP Tây Bắc

Từ khóa:
#h