Hòa Bình: Huyện Cao Phong tập trung phát triển kinh tế xã hội trong năm 2023

Theo định hướng của Huyện ủy Cao Phong, năm 2023 là năm kiểm điểm, đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Vì thế, toàn huyện cần quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023.

Hạ tầng giao thông được phát triển khang trang gắn với xây dựng nông thôn trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Phi Long
Hạ tầng giao thông được phát triển khang trang gắn với xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình - Ảnh: Phi Long

Được biết, đây là năm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy và tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền các cấp; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Trong các giải pháp trọng tâm, huyện xác định ưu tiên huy động các nguồn lực để phục hồi và phát triển kinh tế, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn lực cho đầu tư phát triển; đồng thời triển khai quyết liệt, hiệu quả chương trình xây dựng NTM. Quyết tâm chính trị cao và triển khai đồng bộ  các giải pháp ngay từ đầu năm đã mang lại những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội quý I. Nổi bật là sự khởi sắc của hoạt động du lịch gắn với các  chương trình lễ hội. Thống kê 3 tháng đầu năm, có khoảng 125.000 lượt khách du lịch đến huyện, tổng doanh thu ước đạt 70 tỷ đồng, tăng 14,84% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Hà Văn Di - Bí thư Huyện ủy Cao Phong cho biết, để tạo thêm động lực thúc đẩy du lịch phát triển, huyện triển khai đồng bộ các giải pháp, ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch - dịch vụ. Trên địa bàn huyện đang triển khai một số dự án sử dụng NSNN với tổng kinh phí trên 400 tỷ đồng, trong đó, một số dự án trọng điểm về lĩnh vực văn hóa - du lịch như: dự án quy hoạch bản du lịch cộng đồng Giang Mỗ tại xã Bình Thanh; quy hoạch du lịch cộng đồng xóm Tiện tại xã Thung Nai; xây dựng khu Không gian bảo tồn di sản văn hóa mo Mường tại xã Hợp Phong; đường Bắc Phong - Thung Nai, đường thị trấn Cao Phong đi xã Hợp Phong, đường QH13, QH13B, QH13C, đường hạ tầng du lịch ven hồ Cạn Thượng, đường Thạch Yên đi Miền Đồi (Lạc Sơn)... Bên cạnh đó, có 8 dự án ngoài NSNN với tổng mức đăng ký đầu tư trên 800 tỷ đồng, nổi bật là các dự án du lịch nghỉ dưỡng tại 2 xã Bình Thanh, Thung Nai thuộc vùng hồ Hòa Bình kinh phí đầu tư hàng trăm tỷ đồng, hứa hẹn tạo đột phá cho sự phát triển của du lịch Cao Phong.  

"Nhìn lại quý I/2023 có thể thấy, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ chính trị, tình hình kinh tế - xã hội cơ bản ổn định và phát triển so với cùng kỳ. Đây là diễn biến thuận lợi để trong thời gian tới, toàn huyện tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu năm 2023” - ông Hà Văn Di, Bí thư Huyện ủy Cao Phong nhấn mạnh thêm.

Hòa Bình: Huyện Cao Phong tập trung phát triển kinh tế xã hội trong năm 2023 - Ảnh 1
Cao Phong không chỉ là mảnh đất được biết đến với cam ngọt, mía tím mà nơi đây còn có rất nhiều cảnh quan đẹp thiên nhiên ban tặng, đây sẽ là điều kiện tốt nhất để phát triển các khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, khu tâm linh dành cho du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Phi Long
Cao Phong không chỉ là mảnh đất được biết đến với cam ngọt, mía tím mà nơi đây còn có rất nhiều cảnh quan đẹp thiên nhiên ban tặng, đây sẽ là điều kiện tốt nhất để phát triển các khu du lịch sinh thái, khu nghỉ dưỡng, khu tâm linh dành cho du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Phi Long

Cùng với đó, 1 trong 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII xác định là thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch; mục tiêu là phát triển nông nghiệp chất lượng cao gắn với công nghiệp và du lịch, phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện Nông thôn mới.

Đặc biệt, hướng đến mục tiêu đến năm 2025 trở thành huyện NTM, đến nay, toàn huyện có 7/9 xã đạt các tiêu chí NTM, bình quân đạt 17,89 tiêu chí/xã. Huyện chỉ đạo 2 xã Thung Nai, Thạch Yên tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí NTM theo kế hoạch đề ra; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tiêu chí NTM cấp huyện theo lộ trình đã hoạch định. Huyện tiếp tục triển khai Đề án tái canh cây có múi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Toàn huyện có 1.744,4 ha cây ăn quả có múi, trong đó có 1.357,4 ha cam (diện tích cây thời kỳ kinh doanh là 1.328,5 ha). Sản xuất CN-TTCN, thương mại - dịch vụ duy trì kết quả khá. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của huyện Cao Phong.

Các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai đúng tiến độ. An sinh xã hội được quan tâm, các chính sách xã hội được giải quyết kịp thời. Quốc phòng - an ninh chính trị và trật tự xã hội đảm bảo. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể có nhiều đổi mới… Đó là những kết quả khá toàn diện cho thấy bức tranh kinh tế - xã hội quý I/2023 có nhiều khởi sắc, đặt tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Phi Long/ VP Tây Bắc