Hòa Bình: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn

Chương trình OCOP đang được khai thác hiệu quả và đã có những tác động tích cực đến kinh tế nông thôn. Chương trình vừa khơi dậy tiềm năng đất đai, đặc sản vùng miền; vừa đem đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ. Hòa Bình đang tập trung phát triển hướng đi mới là kết hợp các sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Hướng đi mới bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn thiết thực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển bền vững.

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn góp phần cải thiện kinh tế ở nông thôn
Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch nông thôn góp phần cải thiện kinh tế ở nông thôn.

Sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP, đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 123 sản phẩm được Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 24 sản phẩm 4 sao, 99 sản phẩm 3 sao. Đối với sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch và bán hàng, toàn tỉnh có 5 sản phẩm, gồm 3 sản phẩm 4 sao và 2 sản phẩm 3 sao. Những sản phẩm OCOP đều có lịch sử hình thành lâu đời gắn liền với những địa danh khác nhau, như: Dệt Thổ cẩm Mai Châu, Nước khoáng Kim Bôi; Hạt dổi Lạc Sơn; Cà gai leo Yên Thủy,…

Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã góp phần tạo ra nhiều việc làm cho lao động nông thôn, nhất là nâng cao được vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ngoài ra, việc gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch đã giúp quảng bá cho sản vật địa phương cho nhiều khách hàng biết đến. Sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện văn hóa, du lịch của các địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, các sản phẩm OCOP liên quan đến du lịch nông thôn vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, như: Chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, hoạt động, nhân lực được đào tạo.

Do đó, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Chú trọng đánh giá, phân hạng sản phẩm trước và sau khi được công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng. Cần có thêm nhiều quy định chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý, người đứng đầu, cơ sở kinh doanh du lịch, các điểm đến nếu để xảy ra tình trạng sản phẩm OCOP giả mạo, kém chất lượng. Chú trọng đầu tư khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng trong quá trình chế biến, sản xuất và kinh doanh. Sử dụng rộng rãi công nghệ số, mã vạch giúp người tiêu dùng có thể truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP. Ngành du lịch cần liên tục làm mới sản phẩm, dịch vụ; tăng cường các hoạt động liên kết không gian du lịch, sản phẩm du lịch an toàn, cần sự hợp tác, chia sẻ, khai thác hiệu quả hơn tài nguyên du lịch của từng địa phương gắn với chương trình OCOP và Nông thôn mới.

Văn Hiếu/VPTB