Hòa Bình: Sức hút tại điểm du lịch cộng đồng xóm Mỗ

Với lợi thế có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hữu tình bên những nếp nhà sàn đơn sơ, đậm bản sắc dân tộc Mường cùng những tập tục, lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú là điều kiện thuận lợi để xóm Mỗ, xã Bình Thanh, huyện Cao Phong (Hòa Bình) phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ).

Những ngôi nhà sàn cùng cánh đồng lúa tạo không gian hấp dẫn thu hút du khách. Ảnh: Phi Long
Những ngôi nhà sàn cùng cánh đồng lúa tạo không gian hấp dẫn thu hút du khách. Ảnh: Phi Long.

Cách trung tâm thành phố Hòa Bình khoảng 10 km, bản Giang Mỗ (nay là xóm Mỗ), xã Bình Thanh, huyện Cao Phong, là điểm đến đầy hấp dẫn, thu hút rất đông đảo du khách trong nước và nước ngoài. Vẻ đẹp của phong cảnh núi non, của những ngôi nhà sàn đơn sơ khiến du khách mỗi khi đặt chân đến Giang Mỗ đều cảm nhận được cuộc sống thanh bình, ấm áp đây là nơi sinh sống của một nhóm cư dân đồng bào dân tộc Mường ở Hòa Bình, hệ thống phong tục tập quán được bà con ý thức lưu giữ, đặc biệt, hơn 100 ngôi nhà sàn truyền thống còn được lưu giữ khá nguyên vẹn…

Bản Giang Mỗ nằm quanh thung lũng và dưới chân núi Mỗ, xung quanh bản là màu xanh của nương lúa và núi rừng Hòa Bình. Giang Mỗ là bản của nhiều hộ dân đồng bào dân tộc Mường sinh sống với những ngôi nhà sàn gỗ vẫn giữ vẻ nguyên sơ phủ màu thời gian, những vườn cây ăn trái trĩu quả. Điểm nổi bật tạo nên sức hút cho bản Giang Mỗ là những ngôi nhà sàn cổ hình con rùa (nhà rùa) của đồng bào Mường. Nhà sàn gắn liền với phong tục, tập quán, đời sống sinh hoạt hàng ngày của dân bản Mường, được dựng ở vị trí dựa lưng vào thế đất cao như sườn đồi, sườn núi để đón nhận khí trời và thuận tiện cho việc săn bắn, hái lượm. Nhà có 3 tầng, trong đó tầng (gác) trên cùng để lương thực và đồ dùng gia đình; tầng giữa là nơi sinh hoạt, nghỉ ngơi; tầng dưới cùng hay còn gọi là gầm nhà sàn để các dụng cụ sản xuất và nhốt gia súc, gia cầm.

Một phần không thể thiếu và quan trọng nhất trong ngôi nhà sàn Mường chính là bếp. Bếp được coi là linh hồn của ngôi nhà sàn Mường, đây không chỉ là nơi chuẩn bị thức ăn mà còn là nơi diễn ra các hoạt động chính trong gia đình và cộng đồng. Bếp luôn được người Mường coi trọng và giữ gìn ngăn nắp, sạch sẽ. Khách đến nhà chơi cũng được gia chủ thân tình tiếp chuyện, mời cơm bên bếp lửa. Nhà sàn không chỉ là nơi các hoạt động cuộc sống hàng ngày diễn ra mà còn là nơi sinh hoạt văn hòa tín ngưỡng của cộng đồng Mường. Trong nếp nhà sàn, mọi người cùng quây quần bên nhau múa hát, tấu chiêng, tình cảm gia đình, chòm xóm thêm đoàn kết, gắn bó.

Bản Mường Giang Mỗ (nay là xóm Mỗ) - chốn bình yên. Ảnh: Phi Long.
Bản Mường Giang Mỗ (nay là xóm Mỗ) - chốn bình yên. Ảnh: Phi Long.

Trên những căn nhà sàn truyền thống, người Mường ở Giang Mỗ vẫn còn lưu giữ được nếp sinh hoạt và nhiều dụng cụ lao động sản xuất từ xa xưa được làm từ gỗ, tre, nứa như: khung dệt vải, cung tên, dụng cụ làm nương rẫy... Hằng ngày, đồng bào dân tộc nơi đây vẫn lên rừng khai khẩn đất hoang, trồng ngô, khoai sắn, hay xuống nương trồng và chăm sóc cây lúa. Phụ nữ Mường ở đây cũng rất giỏi đan lát, dệt vải, thêu và tự tay làm ra những sản phẩm thủ công truyền thống như mây tre đan, vải thổ cẩm để giới thiệu đến du khách…

Hiện, xóm Mỗ có 195 hộ, 767 nhân khẩu. Năm 2021, Hợp tác xã DLCĐ xóm Mỗ được thành lập với 30 thành viên. Hiện hợp tác xã  có 2 câu lạc bộ đang hoạt động khá hiệu quả: câu lạc bộ sưu tầm và giới thiệu văn hóa dân gian truyền thống của người Mường và câu lạc bộ truyền dạy dân ca, dân vũ dân tộc Mường. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Hợp tác xã DLCĐ xóm Mỗ đã đón 36.218 lượt du khách, chủ yếu là khách nội địa (chiếm 93,1%). Ông Đinh Văn Dần, Giám đốc Hợp tác xã DLCĐ xóm Mỗ cho biết: Chúng tôi đã, đang khôi phục văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể của người Mường như: khung cửi, cọn nước, đi cà kheo, ném còn, trang phục dân tộc; mo Mường, lịch Đoi, các làn điệu cồng chiêng, dân ca Mường… Từ đó thiết kế các chương trình trải nghiệm để du khách cảm nhận được văn hóa Mường vô cùng phong phú.

Xây dựng làng văn hóa gắn với quảng bá du lịch là cách làm không mới nhưng sẽ góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; đẩy lùi hủ tục lạc hậu, tệ nạn xã hội ra khỏi đời sống cộng đồng, đồng thời hình thành nếp sống mới văn minh, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa để thu hút khách du lịch đến khám phá, trải nghiệm. Tuy nhiên, nghiệp vụ công tác du lịch của hầu hết thành viên Hợp tác xã DLCĐ xóm Mỗ còn hạn chế, mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm.

Nhà sàn Mường là một giá trị văn hoá - lịch sử đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường, nó không chỉ đơn thuần là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, mà còn là biểu hiện của lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian của cả một cộng đồng. Ảnh: Phi Long
Nhà sàn Mường là một giá trị văn hoá - lịch sử đặc sắc của đồng bào dân tộc Mường, nó không chỉ đơn thuần là không gian sinh hoạt chung của các gia đình, mà còn là biểu hiện của lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian của cả một cộng đồng. Ảnh: Phi Long.

Về nội dung này, đồng chí Hoàng Anh Hậu, Giám đốc Trung tâm đào tạo thường xuyên, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội cho biết: Qua triển khai, thực hiện mô hình trải nghiệm và quảng bá văn hóa dân tộc Mường, chúng tôi nhận thấy phần lớn bà con chưa có kinh nghiệm, nghiệp vụ tiếp đón khách du lịch, chế biến món ăn… Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu Bộ VH-TT&DL mở thêm các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch cho bà con. Phấn đấu đưa điểm DLCĐ xóm Mỗ có chất lượng tương đương hoặc cao hơn so với các điểm DLCĐ trên địa bàn tỉnh. Bởi DLCĐ hiện được coi là loại hình du lịch mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái mà còn bảo tồn, phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.

Ông Đinh Văn Lân - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh trao đổi với phóng viên về công tác văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch trên địa bàn xã. Ảnh: Phi Long.
Ông Đinh Văn Lân - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh trao đổi với phóng viên về công tác văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch trên địa bàn xã. Ảnh: Phi Long.

Ông Đinh Văn Lân - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh, cho biết: Một trong những dự án quan trọng, có tác động lớn vào việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số (DTTS) là dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025. Đây là chương trình do Bộ VH-TT&DL chủ trì, Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội được giao triển khai, thực hiện mô hình trải nghiệm và quảng bá văn hóa dân tộc Mường tại xã Bình Thanh. Thành công bước đầu của dự án là sự khởi đầu khá thuận lợi để xóm Mỗ lấy lại "tiếng thơm”. Mong muốn của địa phương là được dự án hỗ trợ về công tác lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Mường nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

PHI LONG/VPTB