Cho đến nay, về quản lý chất lượng giống cây trồng, tỉnh đã xây dựng ban hành 10 Tiêu chuẩn cơ sở chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng đối với các giống: bưởi đỏ, bưởi da xanh, bưởi diễn, quýt Miền Đồi, quýt Nam Sơn, nhãn Hương Chi, nhãn Miền Thiết, na dai, thanh long ruột đỏ, cam Sông Con. Bình tuyển, công nhận 249 cây đầu dòng các giống cam, quýt trên địa bàn tỉnh.
Việc ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học về giống cây trồng, vật nuôi tại địa phương được thực hiện tương đối hiệu quả. Đến năm 2022, đã thực hiện theo dõi, quản lý tốt 420 cây trội các loại; 1,1 ha vườn cây đầu dòng; 2,4 ha Vườn giống; 20 ha rừng giống chuyển hóa các nguồn giống đều đảm bảo chất lượng cho thu hoạch vật liệu giống; Theo dõi quản lý 87 cơ sở trong đó có 15 tổ chức và 72 hộ cá nhân trong năm sản xuất được trên 21 triệu cây giống các loại, đạt 131% so với kế hoạch.
Tỉnh đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ kinh phí xây dựng hệ thống nhà lưới 3 cấp (Nhà lưới bảo quản cây đầu dòng, Nhà lưới bảo quản cây cung cấp mắt ghép và Nhà lưới sản xuất cây giống sạch bệnh) và nguồn cây giống phục vụ công tác sản xuất giống cây ăn quả có múi sạch bệnh của tỉnh cho Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thuỷ sản thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể: Đã hỗ trợ 03 nhà lưới; 100 cây giống S0 được sản xuất bằng công nghệ vi ghép đỉnh sinh trưởng (invitro), sạch bệnh Greening và bệnh Tristeza và 240 cây giống S1 trồng tại vườn ươm Dân Chủ, Trung Minh thuộc Trung tâm. Đây chính là nguồn vật liệu để phục vụ cho công tác sản xuất cây giống, đảm bảo nguồn giống sạch bệnh để thực hiện Đề án tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh; tổng kinh phí được hỗ trợ gần 10 tỷ đồng.
Văn Hiếu/VPTB