Cụ thể, quý IV/2023 doanh thu của tập đoàn ghi nhận 34.925 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.969 tỷ đồng, tăng 249% so với năm 2022 và tăng 48 % so với quý trước.
Lũy kế cả năm 2023, Hòa Phát đạt 120.355 tỷ đồng doanh thu, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế là 6.800 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022 và hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Năm 2023, Hòa Phát đã sản xuất 6.7 triệu tấn thép thô, giảm 10% so với năm 2022. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 6.72 triệu tấn, giảm 7%. Trong đó, Thép xây dựng, thép chất lượng cao đạt 3.78 triệu tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Thép cuộn cán nóng HRC ghi nhận gần 2.8 triệu tấn, tăng 6% với với năm 2022.
Hòa Phát cũng mở rộng xuất khẩu thép tới 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. “Việc xuất khẩu giúp Hòa Phát đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, đồng thời góp phần thu ngoại tệ và cân bằng cán cân thương mại của Việt Nam”, Hòa Phát chia sẻ.
Về sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp 685,000 tấn cho thị trường, giảm 9% so với năm 2022. Tôn mạ các loại đạt tương đương năm trước đó khi đạt 329,000 tấn.
Với công suất thép thô 8.5 triệu tấn/năm, lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, Hòa Phát dẫn đầu thị phần tại Việt Nam về thép xây dựng, ống thép, Top 5 nhà sản xuất tôn mạ lớn nhất, và là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép HRC, cáp thép dự ứng lực và nhiều loại thép chất lượng cao.
Tính tới thời điểm hiện tại, Dự án Dung Quất 2 đã hoàn thành được 45% tiến độ, đúng hoạch đề ra. Khi hoàn thành, năng lực sản xuất thép của Tập đoàn sẽ đạt hơn 14 triệu tấn thép thô/năm.
Đối với các lĩnh vực kinh doanh khác, Hòa Phát cũng ghi dấu ấn với việc cung cấp sản phẩm vỏ container ra thị trường từ đầu tháng 8/2023. Cùng thời điểm, HPG đưa vào hoạt động bến đầu tiên của cảng tổng hợp container tại Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi nhằm phục vụ hoạt động bốc xếp hàng hóa của các doanh nghiệp ở Khu kinh tế Dung Quất và các tỉnh lân cận.
Đối với mảng nông nghiệp, Gia cầm Hòa Phát lần đầu vượt sản lượng 300 triệu trứng, ra mắt sản phẩm trứng gà vỏ hồng. Tập đoàn tiếp tục tối ưu quy mô, hiệu quả đầu tư các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi heo, bò, gà trên cả nước với mục tiêu duy trì vị thế, thị phần trong nhóm dẫn đầu về trứng gà sạch, heo thương phẩm cung cấp ra thị trường.
Đại diện Hòa Phát cho biết, năm 2023 chính là đáy của ngành thép và 2024 thị trường sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, mức độ tăng thế nào sẽ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc nhanh hay chậm, lộ trình giảm lãi suất của Fed ra sao và triển vọng nền kinh tế Mỹ có suy thoái hay không. Đó là những yếu tố ở thị trường thế giới, còn với Việt Nam, sức tiêu thụ cũng chưa thể phục hồi một cách nhanh chóng.
Được biết, Hòa Phát là Tập đoàn sản xuất công nghiệp hàng đầu Việt Nam. Khởi đầu từ một Công ty chuyên buôn bán các loại máy xây dựng từ tháng 8/1992, Hòa Phát lần lượt mở rộng sang các lĩnh vực khác như Nội thất, ống thép, thép xây dựng, điện lạnh, bất động sản và nông nghiệp. Ngày 15/11/2007, Hòa Phát chính thức niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam với mã chứng khoán HPG.
Hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát có 11 Công ty thành viên với 25.424 CBCNV, hoạt động trải rộng trên phạm vi cả nước và 01 văn phòng tại Singapore. Sản xuất thép là lĩnh vực cốt lõi chiếm tỷ trọng trên 80% doanh thu và lợi nhuận toàn Tập đoàn. Các sản phẩm chính trong chuỗi sản xuất thép của Hòa Phát bao gồm thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC), thép dự ứng lực, thép rút dây, ống thép và tôn mạ màu các loại. Với công suất lên đến trên 8 triệu tấn thép các loại, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng và ống thép lớn nhất Việt Nam với thị phần lần lượt là 32.5% và 31.7%.
Tiến Hoàng