PV: Trước hết, xin bà hãy khái quát những kết quả nổi bật của Hội LHPN Việt Nam trong năm qua?
Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Hội LHPN Việt Nam xác định chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng hành giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ là nhiệm vụ xuyên suốt; lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ là mục tiêu hoạt động Hội. Năm 2023, bên cạnh việc tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh, phát triển hội viên, đổi mới phương thức hoạt động, các cấp Hội đã chủ động, sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần hội viên phụ nữ, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Thứ nhất, tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới”, duy trì thực hiện phong trào “Mỗi phụ nữ lựa chọn một hình thức văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao quần chúng phù hợp để rèn luyện sức khỏe”, góp phần nâng cao đời sống tinh thần; vận động phụ nữ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Thứ hai, Hội tiếp tục triển khai các đề án, dự án, hoạt động cụ thể tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ với nhiều cách thức sáng tạo, linh hoạt.
Hội chủ trì Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030” với nhiều hoạt động thiết thực thúc đẩy bình đẳng giới và hỗ trợ trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số……
Đối với hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, Hội đã đề xuất và triển khai Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030”, Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”. Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 đã tiếp nhận 2.024 dự án/ý tưởng khởi nghiệp dự thi (tăng 30,67% so với cuộc thi năm 2021). Hoạt động tài chính vi mô do Trung ương Hội quản lý đã hỗ trợ hơn 201.000 phụ nữ tiếp cận vốn với dư nợ khoảng 2.700 tỷ đồng. Các cấp Hội giúp đỡ 68.786 hộ có phụ nữ thoát nghèo, thoát cận nghèo dưới nhiều hình thức; hỗ trợ thành lập mới 209 hợp tác xã.
Thứ ba, chú trọng thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh. Các cấp Hội chủ động, tích cực triển khai các hoạt động thực hiện CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với giữ gìn giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam, góp phần xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.
Nhiều chương trình/hoạt động nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa của Hội gắn với đảm bảo an sinh - xã hội đã tác động sâu rộng, thu hút được sự tham gia hưởng ứng của hội viên, phụ nữ và cộng đồng như: Chương trình “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, Tiếp bước cho em đến trường, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Chương trình “Mẹ đỡ đầu” tính đến tháng 11/2023, đã vận động được gần 150 tỷ đồng, hỗ trợ, đỡ đầu cho 27.670 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó trên 3.000 trẻ mồ côi do COVID-19. Hưởng ứng Chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc” do Ủy ban TW MTTQ Việt Nam phát động làm nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo tỉnh Điện Biên, Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã ủng hộ 78 nhà tương đương số tiền 3,9 tỷ đồng.
Đặc biệt, nhân dịp xuân Giáp Thìn 2024, các cấp Hội đã chủ động vận động, tổ chức hoạt động thăm hỏi, chăm lo thiết thực cho Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách, hội viên, phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cán bộ chiến sĩ biên phòng thông qua nhiều hình thức như: chương trình "Tết yêu thương – Xuân Giáp Thìn", “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản”, …Kết quả, các cấp Hội đã trao tặng hơn 30.000 suất quà và tiền mặt trị giá hơn 21 tỷ đồng.
PV: Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần hội viên phụ nữ là một nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong hành trình phát triển chung toàn xã hội. Hội LHPN Việt Nam đã có những chương trình, kế hoạch cụ thể nào đối với hội viên phụ nữ các cấp hội, từ cấp cơ sở đến Trung ương?
Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Trong bối cảnh những khó khăn của đời sống nhân dân sau đại dịch Covid 19, suy thoái kinh tế toàn cầu thì việc Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần hội viên phụ nữ là một ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ của các cấp Hội. Nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể thiết thực đã được triển khai kịp thời, cụ thể:
- Tiếp tục triển khai sâu rộng Phong trào thi đua “Xây dựng người Phụ nữ Việt Nam thời đại mới” với nhiều cách thức sáng tạo, đổi mới, tạo khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp trong các cấp Hội, thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo hội viên, phụ nữ. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã có những kết quả rất nổi bật.
Thực hiện phong trào “Mỗi phụ nữ chọn một môn thể thao thích hợp để luyện tập hàng ngày”, đến nay trên cả nước đã có 10.596 Hội LHPN cấp cơ sở (đạt tỷ lệ 100%) duy trì ít nhất một loại hình hoạt động để vận động phụ nữ nâng cao kiến thức, trau dồi đạo đức, rèn luyện sức khỏe, đạt chỉ tiêu đề ra. Tại nhiều địa phương, các câu lạc bộ TDTT cũng được duy trì cùng các giải thi đấu, giao lưu dân vũ TDTT đã được tổ chức, góp phần đưa phong trào dân vũ phát triển rộng lớn trở thành hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng trên toàn quốc, góp phần thu hút hội viên và nâng cao vai trò, uy tín của tổ chức Hội.
Sự kiện “Tuần lễ Áo dài” được đông đảo hội viên, phụ nữ hưởng ứng, góp phần quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa giá trị Áo dài trở thành Di sản văn hóa Việt Nam; kết nối với Nhà thiết kế tổ chức dạy cắt may áo dài trực tuyến miễn phí tới gần 1000 phụ nữ; trao tặng 35.000 bộ áo dài, hơn 14.000 phần quà, trị giá gần 19 tỷ đồng đã được trao tặng cho phụ nữ, trẻ em gái nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
- Thúc đẩy mạnh mẽ, chú trọng đổi mới về chất các hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ, góp phần hỗ trợ toàn diện, tăng cường kết nối sự tham gia hỗ trợ, đồng hành của các ngành, các cấp, các nguồn lực xã hội và sự chủ động của hội viên, phụ nữ
Thực hiện các Đề án của Chính phủ, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” và các chương trình mục tiêu quốc gia, các cấp Hội tuyên truyền, tập huấn kiến thức về sản xuất kinh doanh với 21.331 cuộc, với gần 16 triệu lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia; nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh; hỗ trợ kết nối giao thương, khởi nghiệp hiệu quả trên nền tảng số. Các tỉnh/thành Hội chủ động phối hợp với sở, ngành địa phương tuyên truyền, vận động, đa dạng các nguồn lực hỗ trợ thành lập mới 209 Hợp tác xã; hỗ trợ các HTX đã thành lập nâng cao năng lực, phát triển thành viên, mở rộng quy mô, tăng hiệu quả hoạt động, phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị.
Về công tác hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, năm 2023, với sự nỗ lực, quyết tâm các cấp Hội đã giúp được gần 70 nghìn hộ phụ nữ nghèo và hộ cận nghèo, góp phần thực hiện tốt chỉ tiêu thoát nghèo.
- Thực hiện giám sát, phản biện xã hội các chính sách liên quan đến phụ nữ góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ.
Nhiều hoạt động đối thoại chính sách ở cơ sở, đối thoại giữa phụ nữ với người đứng đầu các cấp trở thành diễn đàn quan trọng để nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ về các chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời cũng là nơi để hội viên, phụ nữ phản ảnh tâm tư, nguyện vọng với các cấp chính quyền.
Trong năm 2023, Hội LHPN các tỉnh, thành đã chủ trì giám sát 99 chính sách, Hội LHPN cấp huyện và cấp cơ sở phối hợp giám sát 10.128 chính sách liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới. Qua giám sát, các cấp Hội đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách tại địa phương, làm căn cứ đề xuất chính quyền, các ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ.
PV: Xin bà chia sẻ định hướng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong năm 2024 để tiếp tục thực hiện tốt chức năng chăm lo hội viên phụ nữ?
Bà Nguyễn Thị Minh Hương: Năm 2024, Hội tiếp tục các hoạt động chăm lo hội viên phụ nữ thông qua việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh và tạo ra môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”. Các hoạt động sẽ được triển khai ở nhiều cấp độ.
Trung ương Hội tổ chức hoạt động tri ân chăm lo phụ nữ và trẻ em nghèo khu vực Tây Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ với đoàn công tác BCH Trung ương Hội trực tiếp đến với phụ nữ, trẻ em nghèo các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai.
Đối với hoạt động chăm lo sức khỏe cho phụ nữ, Trung ương Hội tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan, tổ chức liên quan thúc đẩy truyền thông vận động chính sách đưa khám sàng lọc ung thư cổ tử cung vào danh mục được bảo hiểm y tế chi trả, góp phần thúc đẩy tiếp cận của phụ nữ tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tiếp tục tìm hiểu thực trạng và nghiên cứu chính sách về những đối tượng đặc thù như phụ nữ cao tuổi, phụ nữ khuyết tật và những vấn đề xã hội mới phát sinh để có cơ sở đề xuất chính sách phù hợp trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Trung ương Hội tiếp tục đẩy mạnh hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hỗ trợ phụ nữ tiếp cận vốn; tăng cường hoạt động giáo dục tài chính cho hội viên, phụ nữ; tuyên truyền vận động phụ nữ ứng dụng công nghệ số, hạn chế sử dụng tiền mặt trong giao dịch tài chính. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động nữ; tập trung nguồn lực phát triển mô hình kinh tế tập thể, phụ nữ khởi nghiệp nhằm tạo việc làm cho lao động nữ trên địa bàn.
Ngoài ra, các cấp Hội sẽ triển khai các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viện phụ nữ như Diễn đàn “Giáo dục làm cha mẹ” nhân chủ đề năm “Giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và bảo vệ trẻ em”; tổ chức chuỗi sự kiện chủ đề "Gia đình gắn kết yêu thương" hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam và tháng Hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; tiếp tục triển khai có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia, các Đề án của Chính phủ, cuộc vận động Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch; tăng cường quyền năng cho nhóm phụ nữ đặc thù như phụ nữ cao tuổi, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ nhập cư,…
Xin cảm ơn Bà về cuộc trao đổi!