Sự kiện Hội ngộ Kỷ lục gia lần này có sự tham dự của các lãnh đạo Trung ương, nguyên lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, lãnh đạo TW Hội Kỷ lục gia Việt Nam – Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, cùng đông đảo cộng đồng Kỷ lục gia và Đơn vị sở hữu Kỷ lục Việt Nam.
Đặc biệt, nhận lời mời của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, TS.Biswaroop Roy Chowdhury – Chủ tịch Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) nhiệm kỳ 3 (2022-2026) đã cùng tham dự sự kiện. Phát biểu chia sẻ tại Hội ngộ, TS.Biswaroop Roy Chowdhury nhận xét Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) hiện là một tổ chức lớn mạnh trong hệ thống Liên minh Kỷ lục Thế giới. VietKings đã cống hiến cho cộng đồng Kỷ lục gia Thế giới nhiều ý tưởng, bước đi đổi mới, sáng tạo mà nhiều tổ chức Kỷ lục khác cần học hỏi. Điều đặc biệt, VietKings là tổ chức Kỷ lục quốc gia tiên phong và làm rất tốt việc xác lập Kỷ lục theo định hướng nội dung, tôn vinh những nét độc đáo, sáng tạo, những cống hiến cho cộng đồng trong và ngoài nước. Ông cam kết, với vai trò là Chủ tịch Liên minh Kỷ lục Thế giới nhiệm kỳ 3 (2022-2026), ông và WorldKings sẽ luôn ủng hộ và đồng hành cùng VietKings trong việc vinh danh các cá nhân, tập thể kiến tạo nhiều giá trị nổi bật ra thế giới.
Trong chương trình Hội ngộ lần này, Liên minh Kỷ lục thế giới (WorldKings) đã trao tặng Biểu tượng EVEREST (một biểu tượng ý chí của của cộng đồng Kỷ lục gia thế giới) cho Tập đoàn VinGroup và Tổ hợp Công ty CP Gốm Đất Việt. 6 thành viên được trao tặng Đĩa vàng cống hiến của Viện Kỷ lục gia thế giới. Đây phần thưởng dành cho những người góp phần to lớn vào sự phát triển của cộng đồng Kỷ lục gia toàn cầu.
Viện Đại học kỷ lục thế giới trao tặng bằng Giáo sư danh dự và bằng Tiến sĩ danh dự WRU tới 2 Kỷ lục gia tiêu biểu của Việt Nam. 4 kỷ lục gia được nhận bằng Tiến sỹ danh dự của Viện Đại học kỷ lục thế giới; 6 cá nhân được tặng đĩa vàng của Viện Nội dung kỷ lục thế giới.
Đặc biệt, trong chương trình đã có thêm 2 kỷ lục gia Châu Á mới được ghi nhận, đó là Kỷ lục gia Nguyễn Minh Chuyên với kỷ lục: Người sáng tác các tác phẩm văn học, điện ảnh và truyền hình xoay quanh đề tài hậu chiến tranh Việt Nam có số lượng nhiều nhất Châu Á và Kỷ lục gia Nguyễn Nguyệt Nga với kỷ lục: Giáo viên đầu tiên nghiên cứu, cải tiến và áp dụng thành công chương trình Toán tư duy ảo thuật “Finger math” bằng song ngữ Việt - Anh với phương pháp “Sợi chỉ ngón tay” trên bàn tay trái.
Hội ngộ cũng ghi nhận thêm 12 Kỷ lục Việt Nam mới xác lập của các cá nhân và đơn vị. Trong đó Công ty TNHH Dũng Tân cũng có 1 Kỷ lục: Vũ điệu Thiên nga - Cây bonsai Tùng Kim Cương đạt giá trị Kỷ lục Độc bản Việt Nam.
Hội ngộ kết thúc để lại nhiều dấu ấn đáng nhớ cho các đại biểu và cộng đồng Kỷ lục gia tham dự. Sau 18 năm, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tổ chức 51 kỳ Hội ngộ trên toàn quốc, xác lập gần 4000 kỷ lục Việt Nam tại hầu hết các tỉnh thành trong cả nước, vinh danh nhiều hạng mục kỷ lục thế giới - Châu Á - Đông Dương tại Việt Nam do các tổ chức kỷ lục trên thế giới trao tặng.
PV