Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Ngành du lịch với tính chất là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, phát triển theo xu hướng xanh đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về tăng trưởng xanh.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rẳng, Quảng Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch và thực tế đã trở thành điểm đến hấp dẫn của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Nhận thức rõ vai trò, ý nghĩa của du lịch xanh, ngày 10-8-2021, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 5177 về Phát triển Du lịch xanh Quảng Nam đến năm 2025.
Quảng Nam cũng là tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh. Đến nay, địa bàn tỉnh Quảng Nam đã và đang hình thành các sản phẩm du lịch xanh dựa trên các tiêu chí đã ban hành, được du khách quốc tế và trong nước tích cực đón nhận.
Việc ban hành Bộ tiêu chí du lịch xanh là hành động thiết thực trong bối cảnh mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới. Đây cũng là cơ hội để Quảng Nam khẳng định vai trò, ý nghĩa và bàn thảo các nhiệm vụ, giải pháp du lịch xanh, thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch. Qua đó đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, du lịch xanh, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Về định hướng phát triển du lịch, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho rằng, việc chọn phát triển theo hướng du lịch xanh cũng là cách làm mới sản phẩm du lịch sau dịch, bảo tồn phát huy tài nguyên thiên nhiên và văn hóa, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao trách nhiệm với cộng đồng, doanh nghiệp, du khách, sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam cho rằng ngành du lịch tỉnh xác định có 3 vấn đề chính cần xuyên suốt trong định hướng phát triển du lịch xanh gồm: định hướng về không gian, lồng ghép du lịch xanh vào quy hoạch tỉnh và ngành du lịch. Qua đây cũng định hướng sản phẩm dịch vụ, doanh nghiệp nghiên cứu chuyển đổi một phần hoặc toàn phần sản phẩm du lịch theo hướng xanh cũng như định hướng lại thị trường.
Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả cùng đại diện chính quyền địa phương và lãnh đạo các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận làm rõ những vấn đề đang được quan tâm về phát triển du lịch - dịch vụ xanh, cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, các mô hình du lịch xanh trên thế giới, tại Việt Nam và tỉnh Quảng Nam. Cùng với đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch xanh của Quảng Nam - một tỉnh giàu tiềm năng về phát triển du lịch dựa trên các giá trị tự nhiên, lịch sử và văn hóa bản địa.
Ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cho rằng, "du lịch bền vững Quảng Nam - du lịch không rác thải nhựa", kế tiếp - du lịch "xanh" là bước đi đột phá, sáng tạo, hướng tới ý nghĩa nhân văn, chia sẻ lợi ích, bảo vệ môi trường, gìn giữ giá trị văn hóa - di sản và tài nguyên thiên nhiên…
Tuy nhiên, theo ông, việc thực hiện không dễ, bởi mỗi doanh nghiệp du lịch cần sự kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu, dài hạn và thiện chí đồng hành. Hơn thế nữa, những tác động ngoại lực về cơ chế chính sách là rất quan trọng.
Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra một số kiến nghị như: Quản lý nhà nước về du lịch cần hướng đến chiều sâu; cần có chính sách khuyến khích du lịch nông nghiệp. Thúc đẩy du lịch tái tạo thông qua chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tái chế, tái tạo cũng là mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, kiến tạo một chu trình mới để phát triển bền vững. Chuyển dịch cơ cấu lao động và đào tạo lại lao động ngành du lịch ở Quảng Nam; thiết lập chính sách ưu tiên và kiểm soát phát triển đô thị xanh từ lợi thế cân bằng giữa khai thác tiềm năng của địa phương với vấn đề bảo vệ môi trường, tái tạo tài nguyên…
Nguyễn Tuyên