Hồng giòn không hạt được trồng ở một số huyện vùng cao của Lào Cai, tập trung lớn nhất ở Mường Khương. Hiện tại, toàn huyện Mường Khương, Lào Cai, có gần 100ha cây hồng giòn và 20ha đã bước đầu cho thu hoạch; loại cây này hứa hẹn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ 100-200 triệu đồng/ha. Tuy mới được trồng phổ biến vài năm trở lại đây, song loại cây ăn quả này đã và đang chứng minh hiệu quả, mở ra hướng đi mới giúp người dân miền núi xóa đói, giảm nghèo bên cạnh các loại cây trồng chủ lực khác.
Từ những ngày trung tuần tháng Tám, bà con Mường Khương đã bắt đầu thu hoạch quả hồng giòn. Dịp này, thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương tấp nập thương lái thu mua. Dù loại cây ăn quả này mới được đưa về trồng trên đất Mường Khương cách đây khoảng 5 năm song nhờ hợp với khí hậu, thổ nhưỡng nên năm nào cũng cho quả sai, đều và đẹp mã. Đặc biệt, loại cây này có nhiều ưu điểm thích ứng với mọi điều kiện đất đai khí hậu, thời tiết khắc nghiệt như sương muối, gió mùa, rét đậm, rét hại ở vùng cao Mường Khương.
Nhờ hương vị thơm ngon đặc trưng riêng có nên ngay từ khi bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, nhiều khách đã đến tận vườn để trải nghiệm hái quả và mua sản phẩm. Đây là hướng đi mới có thể mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho nhiều hộ nông dân khi triển khai ở quy mô lớn và có liên kết sản xuất.
Đại diện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Khương cho biết, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện Mường Khương đã có gần 100ha cây hồng giòn và 20ha đã bước đầu cho thu hoạch. Loại cây này hứa hẹn là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ 100-200 triệu đồng/ha, cao gấp từ 4-5 lần so với trồng ngô và sẽ là loại cây mang lại triển vọng xóa đói, giảm nghèo bền vững của địa phương.
Hiện tại, cấp ủy, chính quyền huyện Mường Khương đang nỗ lực hỗ trợ người dân từng bước xây dựng thương hiệu hồng giòn; phát triển, liên kết thị trường tiêu thụ ổn định lâu dài để nâng cao đời sống, thu nhập người dân.
Văn Hiếu/VPTB