Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô nâng cao chất lượng chè từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Sản xuất chè theo hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ để đưa ra những sản phầm trà sạch, chất lượng tới tay người tiêu dùng đang được nhiều địa phương áp dụng. Ở tỉnh Thái Nguyên, mô hình sản xuất chè hữu cơ nổi bật đó là Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô với nhiều hướng đi đột phá từ sản xuất đến đưa sản phẩm tới người tiêu dùng.

Tới huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên hỏi về những cánh đồng chè sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ thì hầu như ai cũng biết về Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô thuộc xã Phú Đô, một trong những thương hiệu trà nổi tiếng của vùng đất nơi đây.

Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô với nhiều hướng đi đột phá từ sản xuất đến đưa sản phẩm tới người tiêu dùng.
Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô với nhiều hướng đi đột phá từ sản xuất đến đưa sản phẩm tới người tiêu dùng.

Người có công lớn đưa việc sản xuất chè hữu cơ của Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô đó chính là anh Hoàng Văn Tuấn. Với tấm bằng Thạc sĩ chuyên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường của Trường Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên, anh đã quyết định trở về quê hương để xây dựng mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ và phát triển đến bây giờ.

Anh Tuấn nhận thấy, mảnh đất Phú Đô quê hương mình có tiềm năng phát triển cây chè nhưng bà con lại chưa biết cách sản xuất phát huy giá trị và nâng cao thu nhập. Và chỉ có sản xuất hữu cơ mới tạo ra sản phẩm sạch, phục vụ sức khỏe người tiêu dùng gắn với bảo vệ môi trường mới đem lại sự phát triển bền vững.

Anh Tuấn, HTX trà an toàn Phú Đô sản xuất chè theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Anh Tuấn, HTX trà an toàn Phú Đô sản xuất chè theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Trải qua, hơn 4 năm sản xuất chè theo hướng hữu cơ, đến nay, anh Tuấn đã cùng bà con địa phương thành lập Hợp tác xã (HTX) Trà an toàn Phú Đô với diện tích hiện nay gần 7 ha với quy trình sản xuất thân thiện với môi trường, không sử dụng phân bón hóa học và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Hoàng Tuấn chia sẻ về những thuân lợi và khó khăn trong sản xuất chè hữu cơ: trong những năm qua hoạt động sản xuất nong nghiệp hữu cơ đươc ngành nông nghiệp, các cấp cũng như các đơn vị quan tâm đầu tư. Nông nghiệp hữu cơ mang đến nhiều lợi ích cho môi trường và con người cũng như kinh tế, đặc biệt là sự phát triển ổn định của nền nông nghiệp trong tương lai, tuy nhiên cũng gặp vô cùng khó khăn đươc kể đen như Thói quen của người tiêu dùng.

Phân hữu cơ bón cho những cánh đồng chè.
Phân hữu cơ bón cho những cánh đồng chè.

Phần lớn người tiêu dùng trước nay luôn yêu thích các loại sản phẩm trà nước xanh, thơm mạnh và giá cả rẻ nhất có thể mà thường ít chú ý đến chất lượng tự nhiên từ bên trong. Từ đó, đầu ra cho sản phẩm hữu cơ luôn gặp phải những rào cản về thói quen và giá thành từ người tiêu dùng.

Hợp tác xã trà an toàn Phú Đô nâng cao chất lượng chè từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ - Ảnh 1
Dùng ớt và các loại lá cây rừng để làm thuốc trừ sâu sinh học phun cho chè.
Dùng ớt và các loại lá cây rừng để làm thuốc trừ sâu sinh học phun cho chè.

“Khó khăn thứ hai là Chi phí đầu tư ban đầu của nông nghiệp hữu cơ thường cao hơn bình thường từ 2-3 lần là một trở ngại. Trong giai đoạn đầu chuyển sang sản xuất hữu cơ chưa mang lại lợi ích kinh tế ngay do phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học có tác dụng chậm. Cây trà cần thời gian thiết lập lại cân bằng sinh thái, thời gian này có thể kéo dài tùy theo chế độ chăm sóc và điều kiện tự nhiên cho nên sản lượng trà có giảm”, anh Tuấn cho biết thêm.

Để khắc phục những khó khăn, HTX trà an toàn Phú Đô đã chủ động trong nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ tại chỗ nhằm tạo viêc làm và tiết giảm chi phí bằng các phế phụ phẩm nông lâm nghiệp dùng để sản xuất than sinh học, ủ phân hữu cơ từ rác hữu cơ... Bên cạnh đó, anh Tuấn còn nghiên cứu ứng dụng thành công thuốc trừ sâu thảo mộc bằng các nguyên liệu sẵn có như: ớt chỉ thiên, tỏi, xả, ướt, gừng và một số lá cây rừng khác tạo ra dung dịch thuốc trừ sâu phù hợp phục vụ cho sản trà hữu cơ.

Với việc sản xuất trà an toàn theo hướng sản xuất hữu cơ, đến nay trên địa bàn xã Phú Đô đã có tới gần 700 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 7.300 tấn /năm. Tính ra, mỗi năm người làm chè của xã cung ứng ra thị trường khoảng 20 tấn chè búp khô, giá trị trên 4 tỷ đồng, doanh thu đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm.

Vũ Cừ - Phi Long/VPTB

Từ khóa: