HTX Trà an toàn Phú Đô ứng dụng công nghệ khí hoá sinh khối vào chế biến trà hữu cơ

HTX Trà an toàn Phú Đô tiếp cận và ứng dung công nghệ VCBG vào chế biến trà là bước đi đột phá nhằm nâng cao chất lượng trà sản phẩm, tận dụng tối đa nguyên liệu đốt sẵn có, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam hàng năm tạo ra khoảng 118 triệu tấn chất thải nông nghiệp, nhưng mới chỉ có 11% số chất thải này được sử dụng, còn một lượng lớn phế phụ phẩm nông lâm nghiệp đang bị vứt bỏ và đốt gây ô nhiễm môi trường. Công nghệ khí hóa sinh khối (VCBG) sẽ là giải pháp năng lượng bền vững cho chế biến nông sản và quản lý chất thải nông thôn.

Bếp đun khí hóa sinh khối bao gồm một lò phản ứng, tương tự như một bếp đơn giản, trong đó nhiên liệu sinh khối rắn được đưa vào. Việc cung cấp không khí cho nhiên liệu cần được kiểm soát chặt chẽ để cho phép chỉ đốt một phần của nhiên liệu. Trong quá trình này các loại khí sinh ra được giữ lại và có thể được sử dụng như một nhiên liệu khí. Giải pháp năng lượng này khi được áp dụng sẽ đem lại nhiều giá trị cho các đối tượng hưởng lợi về kinh tế, nhận thức và đào tạo nguồn nhân lực tại vùng nông thôn của tỉnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái.

Bếp khí hoá sinh khối
Bếp khí hoá sinh khối

HTX Trà an toàn Phú Đô (xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) là một trong những HTX ứng dụng mô hình công nghệ khí hóa sinh khối theo thể tích. Những ứng dụng công nghệ mới này mang tới lợi ích trong kinh doanh và hướng đến sản xuất bền vững đang dần được khẳng định.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Giám đốc HTX Trà an toàn Phú Đô chia sẻ: “Sử dụng bếp khí hóa sinh khối góp phần bảo vệ môi trường bởi lượng khói thải, khói bụi rất ít thậm chí là không có. Bên cạnh đó, các sản phẩm chè của chúng tôi đi kiểm nghiệm chất lượng thì không bị oi khói, vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm”.

Khí hóa sinh khối là công nghệ đốt các vật liệu có nguồn gốc sinh học trong điều kiện thiếu oxy. Về cơ bản, vật liệu sinh khối được đưa vào qua bộ phận cấp liệu của thiết bị VCBG, và khí gas tổng hợp được tạo ra trong buồng phản ứng. Sau đó, khí gas được đốt sinh nhiệt tại đầu đốt của thiết bị. Các vật liệu sinh khối được sử dụng trong công nghệ này có thể là nguồn rác thải sinh khối sẵn có ở địa phương như thân lõi ngô, cây sắn, mùn cưa, gỗ vụn, dăm mảnh và vỏ cây, trấu, rơm rạ, v.v... Công nghệ VCBG là phiên bản công nghệ khí hóa tiên tiến nhất hiện nay do Trung Tâm Nghiên cứu, Tư vấn Sáng tạo và Phát triển Bền vững (CCS) phát triển.

Công nghệ VCBG giúp tiết kiệm tới 50% chi phí so với đốt bằng than đá và 80% chi phí so với đốt bằng ga hoặc dầu Không tạo ra chất độc trong quá trình đốt, an toàn cho sức khỏe người sử dụng Tận dụng được nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp, giảm chất thải, bảo vệ môi trường Không phát thải cacbon, góp phần chống biến đổi khí hậu Tạo thêm việc làm và thu nhập từ việc thu gom và cung cấp sinh khối Tăng thêm thu nhập từ việc kinh doanh than sinh học (một sản phẩm của việc ứng dụng VCBG).

HTX Trà an toàn Phú Đô ứng dụng công nghệ khí hoá sinh khối vào chế biến trà hữu cơ - Ảnh 1

Ông Koen Duchateau, Trưởng Ban hợp tác phát triển, Phái đoán Liên minh Châu Âu cho biết: “Công nghệ khí hóa sinh khối này tốt cho việc sản xuất chè, giảm thiểu hiệu quả chi phí nguyên liệu đầu vào cho các hộ sản xuất chè ở Thái Nguyên và có thể tận dụng phế phẩm sản xuất nông nghiệp ngay tại địa phương.”

Ông Nguyễn Văn Nam, Viện Nghiên cứu ứng dụng Nông nghiệp, Bộ Công thương cũng cho biết : “Ở Thái Nguyên cần phải có sản phẩm chế biến sâu, giá trị mang lại mới cao đối với nông sản của bà con nông dân. Và chúng ta cần có xuất khẩu, nhất là hội nhập EVFTA. Tôi thấy công nghệ này tiếp cận được rất là q‎úy.”

Chính vì vậy, HTX Trà an toàn Phú Đô tiếp cận và ứng dung công nghệ VCBG vào chế biến trà là bước đi đột phá nhằm nâng cao chất lượng trà sản phẩm, tận dụng tối đa nguyên liệu đốt sẵn có, tiết kiệm và bảo vệ môi trường.

Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó chủ tịch UBND xã Phú Đô
Bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó chủ tịch UBND xã Phú Đô

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Như Quỳnh - Phó chủ tịch UBND xã Phú Đô chia sẻ: Công nghệ khí hóa sinh khối như một nguồn năng lượng tái tạo trong việc xử lý có hiệu quả các chất thải trong sản xuất Nông nghiệp. Việc sử dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp sẵn có như mùn cưa, thân vỏ cây, vỏ lá cây… tạo ra nguồn năng lượng sạch để chế biến nông sản mang lại nhiều ưu điểm: Hiệu suất nhiệt cao, nguồn nguyên liệu sẵn có, thân thiện với môi trường; an toàn cho người sử dụng; góp phần giảm phát thải khí nhà kính, ô nhiễm môi trường và xử lý rác thải tại vùng nông thôn…

Hơn nữa, việc sử dụng Công nghệ khí hóa sinh khối giảm phát sinh nhiệt, người sản xuất chế biến chè đỡ vất vả trong điều kiện thời tiết mùa hè nóng bức. Với những ưu việt đó, địa phương mong muốn không chỉ riêng HTX Trà an toàn Phú Đô mà các HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn áp dụng công nghệ khí hóa sinh khối trong sản xuất, chế biến sản phẩm trà vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị sản phẩm.

Sơn Thủy – Hương Trà