Hướng tới ngày Chè Thế giới lần đầu tiên: Nỗ lực của thị trường trong nước và thế giới

Cuối năm 2019, Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố ngày 21/5/2020 là ngày Chè Thế giới lần đầu tiên. Đây là dịp chúng ta được tìm hiểu rõ hơn về nguồn gốc của ngày Chè Thế giới và những hi vọng tích cực mà ngành Chè Thế giới sẽ mang lại cho ngành Chè Việt Nam.

Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020 cả nước xuất khẩu 17.343 tấn chè các loại, thu về 25,69 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% về lượng và giảm 4,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2019. Giá chè xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm ở mức 1.481 USD/tấn, giảm 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường gửi thông điệp nhân dịp ngày Chè Thế giới 21/5/2020
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường gửi thông điệp nhân dịp ngày Chè Thế giới 21/5/2020

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), khối lượng xuất khẩu chè tháng 3 ước đạt 9.000 tấn với giá trị đạt 12 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu chè 3 tháng đầu năm 2020 đạt 26 nghìn tấn và 37 triệu USD, giảm 2,5% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Trong hai tháng đầu năm 2020, Pakistan, Nga, Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia và Mỹ là năm thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 74,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè cả nước. Giá chè xuất khẩu bình quân hai tháng đầu năm 2020 đạt 1.481 USD/tấn, giảm 13,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý, xuất khẩu chè sang Trung Quốc giảm mạnh trong các tháng đầu năm 2019 do hạn chế trong việc thông quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và kỳ nghỉ Tết kéo dài của nước này. Trong hai tháng đầu năm 2020, tổng xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường này chỉ đạt 364 tấn, tương đương 427 nghìn USD, giảm 54,1% về lượng và giảm 87,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, thị phần của nước này trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam hiện chỉ đạt 1,7% (xếp vị trí thứ 10), giảm từ mức 11,4% (xếp vị trí thứ 3) trong cùng kỳ năm 2019.

Theo dự báo của Hiệp hội thương mại chè Đông Phi, giá chè trên thị trường thế giới sẽ giảm trong thời gian tới do tiếp tục chịu tác động kép từ sự bùng phát mạnh trên toàn cầu của dịch Covid-19, những hạn chế trong việc vận chuyển hàng hóa làm giảm nhu cầu tiêu thụ chè ở nhiều quốc gia, các nhà xuất khẩu đặt giá thầu thấp trong bối cảnh đơn hàng giảm từ các nhà nhập khẩu ở EU do tác động của Covid-19. Những biến động của thị trường chè thế giới sẽ tác động đến hoạt động xuất khẩu chè Việt trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Áo xanh) trong buổi Trà đàm nhân ngày Chè Thế giới 21/5/2020  
TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Áo xanh) trong buổi Trà đàm nhân ngày Chè Thế giới 21/5/2020  

Trong bối cảnh thị trường chè thế giới và trong nước có nhiều biến động, tuyên bố của Liên Hiệp quốc về ngày chè thế giới chính là động lực giúp người dân, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối chè trên thế giới và nước ta vững tin trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.

Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết: Theo tôi, sản phẩm chè có giá trị đối với sức khỏe của con người, có giá trị đối với xã hội vì tạo ra sản phẩm vừa có giá trị sử dụng về mặt vật chất lại có giá trị cao về mặt văn hóa. Sự ra đời của ngày chè thế giới là sự tôn vinh của Liên Hiệp quốc đối với những người làm chè, bao gồm những nông dân, những công nhân chế biến, những nhà buôn, những nhà phân phối và những người thưởng trà. Đây là dịp mà thế giới cũng như Việt Nam chúng ta hiểu rõ hơn về ngành chè của thế giới cũng như ngành chè của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã gửi thông điệp tới toàn thể người dân, những thành phần tham gia ngành kinh tế chè trên thế giới. Theo Bộ trưởng, chè là loại sản phẩm rất đặc biệt trong nông nghiệp, tạo ra loại thức uống rất sảng khoái và bổ dưỡng. Chính vì vậy, sản phẩm chè ngày càng phát triển thành một thứ đồ uống quan trọng không thể thiếu trong cuộc sống trên toàn thế giới.

Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 7 trên thế giới về diện tích với tổng diện tích là 120 nghìn hecta và đứng thứ 5 về sản lượng, hàng năm cung cấp 1 triệu tấn búp chè. Riêng đối với chè xanh, Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam coi cây chè là một trong những cây quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Năm 2019, chè đã đem lại giá trị xuất khẩu 236 triệu USD, đem lại thu nhập cũng như việc làm cho một bộ phận nông dân lao động Việt Nam.

Nhân ngày chè thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường mời gọi các doanh nghiệp của các nước trên thế giới tập trung nghiên cứu cùng các doanh nghiệp và bà con nông dân Việt Nam trong quá trình tái cơ cấu phát triển ngành hàng chè của Việt Nam. “Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các trung tâm khoa học của các quốc gia trên thế giới để chúng ta thúc đẩy làm sao xây dựng ngành hàng chè Việt Nam ngày một phát triển, đóng góp tích cực với ngành hàng chè của thế giới, xứng đáng là một thứ đồ uống, một sản phẩm rất đặc biệt trong nông nghiệp”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hy vọng với sự cố gắng của Đảng và nhà nước cũng như ngành chè Việt Nam, thông qua sự ra đời của ngày chè thế giới, việc chế biến và xuất khẩu chè của Việt Nam không những tiếp cận được với những hướng đi mới mới mà còn tạo được những sản phẩm chế biến có giá trị cao trên thế giới.

Dinh Dinh