Hương trầm Quỳ Châu: Hương thơm đậm đà từ núi rừng xứ Nghệ

Trong làn sương bảng lảng những ngày cuối năm 2024, trên đỉnh núi Bù Xén, đôi tay thoăn thoắt của các cô gái dân tộc Thái khéo léo như những nghệ nhân, tất bật quấn hương trầm cho kịp chuyến hàng cuối. Giữa không khí tươi vui, nhộn nhịp ấy, mùi hương trầm lan tỏa, hòa quyện cùng gió núi, tạo nên một không gian ấm áp, xua tan cái lạnh giá nơi miền sơn cước.

Đổi thay nhờ hương trầm

Những ngày giáp Tết, thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu dường như đón Xuân sớm hơn. Khắp các ngả đường, từ trung tâm thị trấn đến các bản làng xa xôi, đâu đâu cũng thoang thoảng mùi hương trầm – một mùi thơm đặc trưng, đậm đà của núi rừng. Các cơ sở sản xuất hương trầm nhộn nhịp người bán kẻ mua, tạo nên bầu không khí rộn ràng, tươi vui ngày Tết.

Cơ sở sản xuất hương trầm Hoàng Kiều đang tất bật chuẩn bị hàng kịp phục vụ nhu cầu sử dụng Tết của người dân
Cơ sở sản xuất hương trầm Hoàng Kiều đang tất bật chuẩn bị hàng kịp phục vụ nhu cầu sử dụng Tết của người dân

Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có hơn 50 năm lịch sử. Ban đầu, chỉ vài gia đình làm để phục vụ nhu cầu trong vùng. Nhưng với bí quyết riêng, hương trầm Quỳ Châu dần tạo dựng được thương hiệu với mùi thơm đặc biệt, trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây và nổi tiếng khắp cả nước.

Một trong những cơ sở sản xuất hương trầm nổi tiếng ở Quỳ Châu phải nói đến cơ sở Hoàng Kiều của chị Lương Nga.

Từ khi còn là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chị Lương Nga đã mang hương trầm Quỳ Châu ra Hà Nội kinh doanh, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa quảng bá sản phẩm quê hương. Sau khi tốt nghiệp, chị Nga quyết định trở về quê, mở cơ sở sản xuất hương trầm vào năm 2015. Ban đầu, chị gặp không ít khó khăn: nguồn vốn hạn chế, đơn hàng lớn chưa nhiều. Nhưng với phương châm "chất lượng là hàng đầu", các khâu sản xuất đều được thực hiện tỉ mỉ, từ chọn nguyên liệu, phơi, sấy, xay bột, đến quấn hương và đóng gói.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng, sản phẩm của chị Nga ngày càng được tin dùng. Hiện tại, cơ sở của chị tạo việc làm ổn định cho 12 lao động với thu nhập từ 5-10 triệu đồng/tháng, giúp cải thiện đáng kể đời sống của người dân địa phương.

Nghề làm hương giúp bà con có công ăn việc làm ổn định
Nghề làm hương giúp bà con có công ăn việc làm ổn định

Bí quyết tạo nên mùi thơm đặc trưng

Để làm ra những que hương trầm thơm ngát, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn kỳ công. Nguyên liệu chính là rễ cây hương bài – loại cây có mùi thơm dịu, mọc nhiều ở vùng núi xứ Nghệ. Rễ cây được rửa sạch, phơi khô, nghiền thành bột mịn, rồi phối trộn với hoa hồi, thảo quả, quế chi, trầm xô, và một số thảo mộc đặc biệt – bí quyết riêng của mỗi cơ sở.

Chân hương được làm từ nứa rừng, yêu cầu sự khéo léo để tạo thân hương thẳng, đẹp. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất hương trầm ở Quỳ Châu chỉ sử dụng nguyên liệu tự nhiên, không hóa chất tạo cháy, đảm bảo an toàn cho người dùng.

Tạo công ăn việc làm cho người lao động

Theo bà Nguyễn Thị Bình, chủ cơ sở hương trầm Bình Minh, nghề làm hương đã có từ năm 1964, do bố mẹ chồng bà khởi nghiệp. Đến nay, nghề truyền thống này không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho gia đình bà mà còn tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Hương trầm Quỳ Châu chủ yếu được làm thủ công nên chất lượng đảm bảo
Hương trầm Quỳ Châu chủ yếu được làm thủ công nên chất lượng đảm bảo

Chị Lang Thị Thu, một thợ quấn hương lâu năm, chia sẻ: "Nhờ công việc quấn hương, mỗi ngày tôi có thể kiếm được 200-300 nghìn đồng, đủ để nuôi các con ăn học và cải thiện cuộc sống gia đình."

Vào dịp gần Tết Nguyên đán, số lượng hương trầm bán ra thị trường tăng gấp 5 - 6 lần. Nhờ phát triển ổn định nghề làm hương truyền thống, mà kinh tế của bà con cũng dần ổn định và đời sống được nâng cao

Được biết, hiện Quỳ Châu có 3 làng sản xuất hương trầm được công nhận làng có nghề. Sản lượng hàng năm đạt khoảng trên 90 triệu que hương, doanh thu đạt trên 20 tỷ đồng. Có 220 hộ tham gia sản xuất, tạo việc làm ổn định cho trên 600 lao động của địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân trên địa bàn.

Để phát triển nghề hương trầm, huyện Quỳ Châu khuyến khích các hộ sản xuất hương trầm đầu tư thêm máy móc để giảm bớt các công đoạn trong sản xuất, đa dạng mẫu mã sản phẩm. Đồng thời, mở rộng diện tích cây rễ hương nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Diễm Phước