Huyện Ba Vì (Hà Nội): Chùa "Cổ Đại Tự" xã Tản Lĩnh làm tốt công tác Phật sự phục vụ nhân dân

Xã Tản Lĩnh là khu vực trung tâm 7 xã vùng núi của huyện Ba Vì (Hà Nội) những năm gần đây 7 xã vùng núi đã có sự đổi thay nhanh chóng về kinh tế, xã hội nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đời sống vật chất tinh thần của người dân địa phương ngày càng cao.

Một góc Ngôi Chùa Đại Cổ Tự.
Một góc ngôi Chùa Đại Cổ Tự.

Tản Lĩnh là địa phương thực hiện rất tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo. Ông Phạm Đình Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã và ông Phạm Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh cho biết, trên địa bàn xã có tới 16 công trình Đình, Đền, Chùa, trong đó có 02 công trình được công nhận là di tích lịch sử văn hóa.

Chùa Cổ Đại có từ lâu đời tại vị trí ngọn đồi cao, đẹp nhất của thôn Hiệu Lực xã Tản Lĩnh, trải qua những năm dài kháng chiến của dân tộc và chịu ảnh hưởng của thiên tai, địch họa, ngôi chùa đã bị hư hại toàn bộ. Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp, sự ủng hộ nhiệt tình của Phật tử trong và ngoài xã, ngôi chùa đã được tu bổ xây dựng lại vào những năm 2012- 2013 với quy mô tương đối khang trang bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng Phật Giáo của các Phật tử và cán bộ nhân dân địa phương.

Đại đức Thích Quang Hạnh, Ủy viên Hoằng Pháp Giáo hội PGVN tỉnh Phú Thọ, Trụ trì Chùa Cổ Đại Tự.
Đại đức Thích Quang Hạnh, Ủy viên Hoằng Pháp Giáo hội PGVN tỉnh Phú Thọ, Trụ trì Chùa Cổ Đại Tự.

Năm 2017 Đại đức Thích Quang Hạnh, Ủy viên Ban Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Phú Thọ  về trụ trì, hoạt động Phật sự tại Chùa cổ Đại đã  được đi vào nề nếp, bài bản quy củ hơn. Nhà chùa đã có một Ban Chấp tác và tổng số trên 60 Phật tử là người địa phương sinh hoạt thường xuyên, chưa kể các Phật tử trong khu vực các xã phụ cận. Ban Chấp tác đã thực hiện tốt vai trò là  trung tâm đoàn kết, tập hợp các Phật tử trong và ngoài địa phương tham gia các hoạt động tại chùa theo đúng nghi thức tôn giáo. Các hoạt động như lễ rước tượng, lễ cầu an rằm tháng giêng, lễ kính mừng Phật Đản, lễ Vu Lan báo hiếu, lễ Tất niên đều được thực hiện đúng nghi thức tôn giáo, đúng quy định của địa phương, đảm bảo nghiêm túc, trang nghiêm theo quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Ông Phạm văn Hiệp, PCT UBND xã Tản Lĩnh đánh giá cao hoạt động Phật sự của Nhà chùa.
Ông Phạm văn Hiệp, PCT UBND xã Tản Lĩnh đánh giá cao hoạt động Phật sự của Nhà chùa.

Chỉ tính trong nhiệm kỳ 2019- 2022 nhà chùa đã tổ chức quy y Tam bảo cho gần 300 phật tử, các buổi lễ ngày mồng một, ngày rằm và thứ năm hàng tuần được duy trì đều đặn. Nhà chùa đã tổ chức mở các khóa tu cho các Phật tử Chùa Cổ Đại và các Phật tử thập phương với gần 300 Phật tử tham dự khóa tu An Lạc mỗi ngày. Ngoài ra nhà chùa và Ban Chấp tác đã tổ chức nhiều lần cho các Phật tử đi hậu phúc các đám hiếu, hồi hướng, cầu siêu cho vong linh tại các gia đình có công việc, đảm bảo kịp thời, động viên tư tưởng , tinh thần cho gia chủ và chấp hành đúng quy định của địa phương cơ sở về thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh và tổ chức nghi lễ tôn giáo.

Dàn cồng chiêng do ông Đinh văn Ninh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tản Lĩnh dẫn đầu chúc mừng Đại lễ Phật Đản.
Dàn cồng chiêng do ông Đinh văn Ninh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tản Lĩnh dẫn đầu chúc mừng Đại lễ Phật Đản.

Từ khi Nhà chùa có Đại đức Thích Quang Hạnh về trụ trì, công tác xây dựng cơ sở vật chất của nhà chùa  đã được quan tâm hơn, trong nhiệm kỳ 2019-2022 nhà chùa đã tiến hành làm mái tôn che toàn bộ sân chùa, tu tạo nâng cấp công trình vệ sinh phục vụ cho sinh hoạt của các Phật tử và nhân dân tới chùa, mua sắm các đồ dùng thiết yếu phục vụ cho các khóa tu, nghi lễ đông người, nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng, chủ yếu từ Đại đức Thích Quang Hạnh và các Phật tử trong và ngoài địa phương phát tâm  ủng hộ.

Đại đức Thích Quang Hạnh nhận hoa chúc mừng của Đại diện xã Tản Lĩnh.
Đại đức Thích Quang Hạnh nhận hoa chúc mừng của Đại diện xã Tản Lĩnh.

Xã Tản Lĩnh đang trong tiến trình xây dựng Nông thôn mới nâng cao, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, Chùa Cổ Đại thôn Hiệu Lực đã thực hiện được vai trò là " Ngôi nhà đại  đoàn kết", nơi Nhà sư hướng dẫn các Phật tử và người dân thực hiện sống "Tốt đời đẹp đạo", chấp hành tốt các giáo lý của Đạo Phật " làm lành, lánh dữ", nói lời hay, làm việc tốt, nói và làm đúng pháp luật, đem lại cuộc sống tự do hạnh phúc, niềm an lạc ngay trong tâm hồn,tư tưởng, tình cảm cuộc sống hiện tại của mỗi người, trong mỗi gia đình, góp phần xây dựng địa phương xã Tản Lĩnh ngày càng phát triển và đổi mới.

Trường Sơn/ VPTB