Cách đây hơn 20 năm, khi ấy chị Mai là giáo viên Trung tâm GDTX, còn anh Thắng chồng chị là kỹ sư trong quân đội chuyển ngành về trạm cơ khí nông nghiệp huyện, hai vợ chồng đồng lương hạn hẹp, trong khi phải nuôi dạy 3 con nhỏ ăn học, vốn liếng không có, cái khó ló cái khôn, chị Mai bàn với chồng mang kiến thức học được từ bà và mẹ tiến hành ủ mốc làm tương, vừa để sử dụng và bán lại cho đồng nghiệp và mọi người xung quanh để có thêm đồng ra, đồng vào. Thấy việc làm tương lệ thuộc rất nhiều vào thời tiết nắng nóng 3 tháng mùa hè, 9 tháng còn lại không thể tiến hành ủ mốc làm tương, vợ chồng chị Mai bàn nhau nghiên cứu, thử nghiệm, đo lại nhiệt độ ánh nắng ngoài trời, kiểm tra đối chứng nhiều lần, tìm ra được nhiệt độ tối ưu để khi ủ cơm cho ra loại mốc tương vàng "hoa cải" tốt nhất, trên cơ sở đó đặt hàng mua lò sấy điện ủ mốc làm tương, từ đó việc sản xuất tương của gia đình anh chị hoàn toàn chủ động, không còn lệ thuộc vào điều kiện tự nhiên môi trường.
Đến thăm 2 cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm tương Khê Thượng của anh chị Thắng Mai tại đội 6 thôn Khê Thượng xã Sơn Đà và tại địa điểm km 55, QL32, thôn Vật Phụ, xã Vật Lại, khách hàng được chứng kiến các loại máy móc như tủ cơm điện công nghiệp, một mẻ nấu được trên 200 kg gạo thành cơm; buồng kín điện ủ mốc, có chức năng điều chỉnh nhiệt độ theo ý muốn và các loại máy đóng gói, máy chiết rót, cùng rất nhiều các bồn chứa ngả mốc làm tương, hoạt động đảm bảo tuyệt đối vệ sinh an toàn thực phẩm, với khẩu hiệu:"Tất cả vì sức khỏe người tiêu dùng", nhất là khi sản phẩm tương Khê Thượng được hội đồng kiểm định chất lượng đề nghị UBND thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao năm 2021, thì niềm tin của người tiêu dùng càng thêm được củng cố.
Sản phẩm tương Khê Thượng không những được người tiêu dùng khó tính trên địa bàn Hà Nội yêu chuộng mà còn hấp dẫn khách hàng ở các tỉnh xa xôi như Hà Giang, Tuyên Quang thường xuyên đặt hàng tiêu thụ với số lượng lớn. Sản phẩm OCOP 3 sao tương KhêThượng đã góp phần tích cực vào quá trình xây dựng NTM nâng cao của xã Sơn Đà. Cơ sở sản xuất, kinh doanh HTX Minh Quân của anh chị Thắng Mai hàng năm ngoài việc tiêu thụ nguồn nguyên liệu gạo nếp, đậu tương khá lớn của người dân địa phương để sản xuất tương, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, còn đảm bảo công việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Đặc biệt, gia đình anh chị Thắng Mai rất tự hào vì đã tạo nên sản phẩm OCOP 3 sao Tương Khê Thượng, góp phần làm đẹp cho quê hương mình. Chị Mai, anh Thắng tin tưởng rằng thế hệ mai sau vẫn sẽ tiếp bước anh, chị duy trì, phát triển giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP Tương Khê Thượng, để hương vị đậm đà, thắm đượm tình quê của sản phẩm này mãi mãi hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế khi đến với Hà Nội, về với vùng đất Khê Thượng, Sơn Đà, Ba Vì, quê hương của danh nhân văn hóa Tản Đà- Nguyễn Khắc Hiếu.
Trường Sơn - Minh Đông/VPTB