Huyện miền núi Bắc Hà thu gần 49 tỷ đồng từ cây chè Shan tuyết

Trong 9 tháng năm 2022, huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã thu hoạch được 2.876 tấn chè búp tươi, tương đương 553 tấn chè khô, giá trị kinh tế hơn 48,8 tỷ đồng. Đây là mức thu nhập cao kỷ lục trong suốt chặng đường trồng, phát triển cây chè Shan tuyết trên miền cao nguyên trắng Bắc Hà.

Toàn huyện Bắc Hà (Lào Cai) có 950 ha trồng chè, trong đó có 696,94 ha chè Shan tuyết đã được chứng nhận hữu cơ. Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn huyện sẽ trồng mới thêm 10ha chè, nâng tổng diện tích chè trên địa bàn huyện lên 960ha. 

Tình hình tiêu thụ chè trên địa bàn thời gian qua ổn định, theo đó giá bán lá chè tươi đạt 17.000 đồng/kg, tăng nhẹ so với cùng kỳ, từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Dự kiến sản lượng chè búp tươi thu hái trong năm khoảng 3.700 tấn, cho thu nhập đạt trên 63,5 tỷ đồng, chiếm 5,2% tổng giá trị ngành nông nghiệp.

Để có được kết quả này, thời gian qua huyện Bắc Hà đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Lào Cai  thực hiện Dự án xây dựng mô hình thâm canh chè theo hướng hữu cơ, liên kết theo chuỗi giá trị tại tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020 - 2022.

Huyện miền núi Bắc Hà thu gần 49 tỷ đồng từ cây chè Shan tuyết - Ảnh 1

Mô hình được triển khai trên diện tích 20ha với sự tham gia của 70 hộ dân thuộc xã Bản Liền và xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà. Sau 3 năm triển khai, các hộ tham gia mô hình có nhận thức tốt trong áp dụng quy trình sản xuất chè hữu cơ. 

Tại vùng dự án, năng suất chè bình quân đạt 4,75 tấn búp tươi/ha/năm, tăng 30 - 35% so với năm 2019, cao hơn mục tiêu dự án 1,25 tấn/ha. Sản phẩm chè búp tươi được Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà thu mua với giá từ 17.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, huyện Bắc Hà đã và đang chú trọng giữ gìn, phát triển vùng chè Shan tuyết Bản Liền, Tả Củ Tỷ và Hoàng Thu Phố. Những vườn chè cổ thụ tại đây đã và đang đem lại lợi ích kép khi thu hút đông đảo du khách đến với Bắc Hà, tạo động lực phát triển du lịch nông nghiệp bền vững.

Nhờ chú trọng phát triển vùng chè tuyết Shan tuyết hữu cơ Bản Liền, nâng cao chất lượng chè ở các xã khác như Thải Giàng Phố, Tả Củ Tỷ, Nậm Khánh, Tả Văn Chư... nên nghề trồng chè tại đây ngày càng chuyên nghiệp, bền vững. Các xã chủ động ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Hợp tác xã chè hữu cơ Bản Liền, thị trường tiêu thụ thuận lợi, giá thu mua chè cao, ổn định. 

Hiện, 90% sản lượng chè được sản xuất tại HTX Bản Liền được xuất khẩu sang châu Âu (EU), Mỹ, Canada… Trong đó, các sản phẩm chè phổ nhĩ, chè đen, búp hồng, búp trắng có giá bán cao nhất. 

Để vào được thị trường châu Âu, sản phẩm chè Bản Liền phải tuân thủ đầy đủ 25 tiêu chuẩn ngặt nghèo do các tổ chức quốc tế quy định. Sản phẩm chè Bản Liền được canh tác tự nhiên, không sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi hộ trồng chè đều có mã số, sổ sách ghi chép. Điểm đặc biệt của chè Bản Liền là người dân tham gia hợp tác xã phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chăm sóc, thu hái, vận hành dây chuyền chế biến và phân loại chè thành phẩm. Chè được trồng hoàn toàn tự nhiên nên trung bình mỗi tháng người dân chỉ thu hái một lần. 

Hoài An (t/h)

Từ khóa: