Khu vực nuôi cá tầm của Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Sơn La lớn nhất ở huyện miền núi Mường La. Ảnh: Phi Long
Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, huyện Mường La (Sơn La) triển khai mô hình nuôi cá tầm, tại đây cung ứng từ khoảng 50 tấn cá thương phẩm.Tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, huyện Mường La (Sơn La) triển khai mô hình nuôi cá tầm, tại đây cung ứng từ khoảng 50 tấn cá thương phẩm.
Từ năm 2011, tại hồ thủy điện Sơn La bắt đầu thử nghiệm việc nuôi mô hình cá Sông Đà, đến năm 2014 mô hình Cá Sông Đà chính thức được áp dụng và nhân rộng hơn tại hồ thủy điện Sơn La. Đây là khu vực không nằm trong dòng chảy chính của sông Đà, điều kiện giao thông thuận lợi, tạo điều kiện thực hiện đúng quy trình nuôi, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đặc biệt, hằng năm huyện Mường La đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã tuyên truyền, vận động người dân phát triển nuôi cá ao, hồ và nuôi cá lồng, kết hợp khai thác, đánh bắt thủy sản. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh cho đàn cá nuôi; phổ biến các quy định của pháp luật về phát triển nguồn lợi thủy sản, gắn với bảo vệ môi trường tại các xã thuộc khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La, thủy điện Nậm Chiến...
Trang trại nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La tại xã Mường Trai, huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Ảnh: Phi Long
Từ năm 2018 đến nay, huyện đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi thú y – thủy sản, Trường Cao đẳng Sơn La tổ chức 7 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hơn 200 thành viên các HTX, các hộ nuôi trồng, khai thác thủy sản ở các xã ven lòng hồ. Toàn huyện hiện có 143 ha ao nuôi thủy sản và 907 lồng cá. Năm 2020, sản lượng cá ao đạt hơn 300 tấn, cá lồng đạt 544 tấn và sản lượng khai thác thủy sản đạt 200 tấn. Trong đó, Công ty TNHH MTV cá tầm Việt Nam với quy mô 250 lồng cá, sản lượng từ 150-180 tấn/năm.
Cùng với đó, huyện Mường La đã hỗ trợ 600 triệu đồng cho một số HTX làm mới 120 lồng cá. Đồng thời, triển khai các dự án đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung. Trong đó, giai đoạn 2018-2020, đã hoàn thành dự án xây dựng cơ sở sản xuất giống cá tập trung tại xã Hua Trai, với tổng kinh phí 62,1 tỷ đồng; đưa vào sử dụng chợ cá tại xã Mường Trai, tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng; dự án tuyên truyền, đào tạo cán bộ thủy sản, khuyến ngư, với tổng kinh phí 176 triệu đồng...
Đơn vị tiên phong trong nghề nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La là Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam - Sơn La. Điểm nuôi chín đặt tại bản Lả Mường, xã Mường Trai, huyện Mường La với diện tích trên 2 ha mặt nước. Đây là khu vực không nằm trong dòng chảy chính của sông Đà, điều kiện giao thông thuận lợi, tạo điều kiện cho đơn vị thực hiện đúng quy trình nuôi, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chất lượng, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đàn cá tầm bố mẹ đang được nuôi tại lòng hồ. Ảnh: Phi Long
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thúy - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Mường La, cho biết: “lòng hồ thủy điện Sơn La có tiềm năng lớn, điều kiện khí hậu tại một số vùng rất phù hợp để nuôi cá tầm, huyện đang với các cơ quan chức năng của tỉnh triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất, cũng như đảm bảo an ninh trật tự và môi trường, tạo điều kiện cho Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam – Sơn La mở rộng quy mô sản xuất theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản của tỉnh gắn với phát triển du lịch lòng hồ của địa phương. Việc Công ty TNHH một thành viên cá tầm Việt Nam – Sơn La nuôi thành công cá tầm trên hồ thủy điện Sơn La đã mở ra một hướng đi mới trong nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh, khai thác tối đa lợi thế, giải quyết việc làm cho nhân dân sống trong vùng hồ thủy điện Sơn La, tạo ra nguồn sản phẩm phục vụ xuất khẩu, góp phần mang lại nguồn thu cho ngân sách”.
Sản phẩm cá tầm nuôi trên lòng hồ thủy điện Sơn La hiện đã được Trung tâm chuyển giao công nghiệp và dịch vụ thủy sản Việt Nam chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP vào tháng 10/2017. Mỗi con cá tầm sau khi xuất bán đều được công ty gắn mã truy xuất nguồn gốc. Khách hàng có thể quét mã sản phẩm qua các ứng dụng điện thoại thông minh. Theo đó, các thẻ mã số đi kèm sản phẩm cá tầm của công ty sẽ giúp người tiêu dùng và cơ quan quản lý kiểm soát dễ dàng, biết chính xác lô hàng đó có địa điểm nuôi ở đâu, giống cá, đơn vị nuôi, ngày bắt đầu nuôi.Hiện nay, cá tầm Sơn La đang được bán với mức giá từ 220- 400 nghìn đồng/kg tùy vào trọng lượng từng loại.
Ông Mai Tuấn Anh, Kỹ sư trưởng Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Sơn La trao đổi với phóng viên về quy trình nuôi cá tầm. Ảnh: Phi Long
Trao đổi với phóng viên về quy trình nuôi cá tầm, ông Mai Tuấn Anh, Kỹ sư trưởng Công ty TNHH MTV Cá tầm Việt Nam - Sơn La chia sẻ: “môi trường lòng hồ thủy điện Sơn La rất phù hợp để nuôi cá tầm. Đến năm 2015, Công ty đã mở rộng số lượng lồng bè lên 283 lồng với diện tích nuôi khoảng gần 4ha trên lòng hồ với 200.000 con cá giống, khoảng 200 tấn cá thương phẩm và 100 tấn cá bố mẹ. Cá tầm nuôi ở hồ thủy điện Sơn La chủ yếu cần quan tâm về vấn đề nhiệt độ. Do cá tầm là loài sống ở môi trường nước lạnh, nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của cá, thậm chí làm cá chết. Còn các vấn đề sức khỏe khác, chúng tôi đều không cần dùng thuốc và kháng sinh mà chỉ cần bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá”.
The ông Tuấn Anh cho biết thêm, cá tầm nuôi tại hồ thủy điện Sơn La cho chất lượng rất tốt và đều đạt các tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Cá nuôi trong 2 năm mới đạt trọng lượng 2kg/con. Bên cạnh đó, một yếu tố vô cùng quan trọng nữa cần lưu ý khi nuôi cá tầm là thức ăn. Cá tầm được nuôi bằng thức ăn công nghiệp phối trộn với cá mương, cá biển xay nhuyễn có hàm lượng đạm cao. Khi cá còn nhỏ, thức ăn sẽ là trộn cá tươi với cám công nghiệp. Khi cá lớn có thể cho ăn cám nông nghiệp. Cám công nghiệp cũng phải đảm bảo các tiêu chuẩn. Nếu thời tiết nắng nóng cần phải giảm lượng thức ăn, trời mát sẽ bổ sung thức ăn để tăng trọng lượng cho cá.
Nhiều hộ dân nuôi cá lồng đại trà như cá trăm, cá rô phi đơn tính, cá chép, cá lăng, cá diêu hồng trên lòng hồ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phi Long
Vùng lòng hồ thủy điện trên địa bàn Sơn La thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Thuận Châu và Mường La, với diện tích gần 4.000 km2. Trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh, vùng lòng hồ thủy điện Sơn La được xác định là một trong bảy khu du lịch trọng điểm. Ảnh: Phi Long
Hiện nay, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đang cho thấy những hiệu quả nhất định, đem lại thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân xã Mường Trai. Chính bởi vậy, việc gắn phát triển nuôi cá lồng với bảo vệ môi trường mặt nước vùng nuôi đang được địa phương hết sức quan tâm. Thời gian tới, huyện Mường La tiếp tục khuyến khích các HTX, doanh nghiệp, hộ dân đầu tư nuôi trồng thủy sản, từng bước trở thành địa phương cung cấp các sản phẩm cá chất lượng trên thị trường./.
Phi Long - Thanh Phong/VP Tây Bắc