Khai mạc Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp Dệt & May - Thiết bị, Nguyên phụ liệu & Vải 2024

Sáng 23/10, tại Hà Nội, Hiệp Hội Dệt May Việt Nam phối hợp với các cơ quan đầu ngành công nghiệp Dệt may tổ chức khai mạc Triển lãm quốc tế Ngành công nghiệp Dệt & May - Thiết bị, Nguyên phụ liệu & Vải 2024 (HanoiTex & HanoiFabric).

Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm

Tiếp nối thành công của các kỳ, Triển lãm Hanoitex HanoiFabric 2024 mang lại cơ hội để các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường, cập nhật thông tin, học hỏi kinh nghiệm cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tại thị trường dệt may của khu vực phía Bắc Việt Nam, đón đầu các cơ hội về thị trường.

Chia sẻ tại sự kiện ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết: Ngành Dệt May đang đứng trước cơ hội lớn, tuy nhiên bên cạnh đó trong xu thế phát triển toàn cầu Ngành đang có nhiều áp lực thách thức như: Phải thích ứng với cách mua hàng mới của các nhà nhập khẩu, đặc biệt như là một loại chính sách, hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm dệt may khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu; Phát triển theo hướng xanh, phát triển bền vững và số hóa là xu thế tất yếu đòi hỏi các doanh nghiệp ngành Dệt May Việt Nam cần tập trung đầu tư công nghệ, thiết bị thích ứng với yêu cầu đòi hỏi xu thế phát triển chung của Dệt may cũng như thích ứng với các hiệp định tự do thế hệ mới…

Ông Vũ Đức Giang kỳ vọng sự kiện sẽ đem lại cho các doanh nghiệp trong ngành Dệt may các giải pháp thiết bị công nghệ, đặc biệt là chọn lọc được các nguyên phụ liệu phù hợp, phục vụ sản xuất thích ứng với các hiệp định tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn của các nhà nhập khẩu; Đồng thời các nhà sản xuất nguyên phụ liệu lớn trên thế giới sẽ có lượng thông tin lớn trong việc sản xuất các nguyên phụ liệu mà các thị trường nhập khẩu đòi hỏi phải thích ứng.

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas cho biết HanoiTex & HanoiFabric 2024 mang tới các giải pháp về công nghệ cho DN để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất từ thị trường
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas cho biết HanoiTex & HanoiFabric 2024 mang tới các giải pháp về công nghệ cho DN để đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cao nhất từ thị trường

Ông Giang cho biết thêm năm nay ngành Dệt may có khả năng đạt tỷ trọng xuất khẩu là 44 tỷ USD tăng 10% so với năm 2023; với việc đa dang hóa khách hàng và đa dạng hóa thị trường hiện Dệt may Việt Nam đã xuất khẩu đến 104 thị trường và vùng lãnh thổ trên toàn cầu.

Triển lãm HanoiTex & HanoiFabric được tổ chức định kỳ hàng năm vào tháng 10 tại Hà Nội. Đây là nền tảng trưng bày những xu hướng, công nghệ mới nhất trong sản xuất nguyên liệu dệt may và các loại vải đa dạng, đồng thời tập trung vào các thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế về thiết bị, máy móc dệt may.

Triển lãm trưng bày những xu hướng, công nghệ mới nhất trong sản xuất nguyên liệu dệt may và các loại vải đa dạng, đồng thời tập trung vào các thương hiệu uy tín trong nước và quốc tế về thiết bị, máy móc dệt may. Triển lãm mỗi năm đón tiếp gần 10.000 lượt khách tham quan thương mại.

Năm nay, với quy mô hơn 6.000m² (tăng 10% so với năm 2023), HanoiTex & HanoiFabric thu hút hơn 210 nhà triển lãm đến từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ như Ấn Độ, Bangladesh, Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông, Litva, Nhật Bản, Thụy Sỹ, Trung Quốc và Việt Nam. Các nhà triển lãm trưng bày những sản phẩm, thiết bị hiện đại nhất của ngành dệt may, cũng như các loại vải và nguyên phụ liệu đa dạng, đáp ứng xu hướng sản xuất hiện đại và bền vững.

Nhiều gian hàng nổi bật, trình diễn các công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao tại triển lãm
Nhiều gian hàng nổi bật, trình diễn các công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao tại triển lãm

Ngoài ra còn có sự xuất hiện của nhiều thương hiệu mới cho ngành công nghệ máy móc với đa dạng chức năng và giá thành hợp lý như: Công ty Quân Bằng trưng bày một số máy móc ngành may uy tín: IMB, ASHIMAR, NICERBT, BROTHER, SIRUBA, ISAMU, JUKI, JACK, YAMATO, HUATANG, IMB Máy máy túi quần tự động, Nicerbt - máy lập trình trần bông tự động; Công ty Giang Thành với máy cắt Bullmer và các dòng máy may, lập trình GTG; JINYU - chuyên máy thêu; KODOFO - Máy in chuyển nhiệt cao; Chnki - máy cắt, lập trình tự động, Windatech - Máy cắt tự động; Linh kiện phụ tùng ngành may như: A Nguyen (Kim may Organ Needle), Kim Hòa các linh kiện máy may, SAGA - máy bắn nhãn mác, Sprayway TPR - Công nghệ tẩy bản RAROSA; Kỹ thuật không đường may như: GOLDEN - máy dệt kim vải tròn liền mạch, Tam Hoa - Máy dán keo áo polo; NAWON - máy dán kín đường may; i- Garment - phần mềm cho ngành may, ...

Nhiều nhà sản xuất nguyên phụ liệu may và vải đã có nhà máy sản xuất tại miền Bắc, đáp ứng nhu cầu cung ứng kịp thời và thuận lợi cho các cơ sở sản xuất tại phía Bắc Việt Nam.

Trong khuôn khổ Triển lãm sẽ diễn ra các chuyên đề hội thảo về tầm nhìn của ngành Dệt May đến 2045, các chuyển đổi xanh, quản lý sản xuất thông minh và lao động sản xuất và phát triển kinh tế bền vững.

Triển lãm diễn ra từ ngày 23-25/10 tại Trung tâm triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội, 91 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

PV