Khai mạc vòng chung khảo Hội thi "Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng" lần thứ V

Hôm nay (27/6), Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Học viện Tài Chính tổ chức vòng chung khảo Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc "Kinh tế lượng và ứng dụng" lần thứ V.

Đại diện Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao Kỷ niệm chương tới các nhà khoa học, giáo viên có công hướng dẫn sinh viên.  
Đại diện Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao Kỷ niệm chương tới các nhà khoa học, giáo viên có công hướng dẫn sinh viên.  

Hội thi nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng các mô hình toán học, kinh tế lượng, phần mềm tin học trong nghiên cứu để góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học sinh viên trong nhà trường.

Phát biểu khai mạc chương trình, PGS. TS Nguyễn Trọng Cơ, Giám đốc Học viện Tài chính cho biết: "Học viện Tài chính những năm qua đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, đa dạng các loại hình hoạt động học thuật của sinh viên. Hội thi khoa học sinh viên toàn quốc "Olympic Kinh tế lượng ứng dụng" do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và Học viện Tài chính phối hợp tổ chức là một trong những loại hình như thế.

Hội thi với mục tiêu ứng dụng các mô hình toán học, kinh tế lượng, các phần mềm tin học để giải quyết bài toán kinh tế xã hội góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học sinh viên trong nhà trường.

Hội thi năm nay được triển khai trong điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt - đại dịch Covid-19 bùng phát khắp toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của thế giới. Tuy nhiên lúc khó khăn nhất thì cũng là lúc bản lĩnh được phát huy. Học viện Tài chính là một trong những trường đi đầu trong triển khai thành công giảng dạy online trong đại dịch. Đây là cơ sở để Học viện quyết tâm thực hiện các chương trình đã được đặt ra như Hội thi "Olympic Kinh tế lượng và ứng dụng" này.

Cuộc thi lần thứ V có những kết quả bất ngờ, 29 trường tham gia với 133 đề tài, chất lượng vượt trội, có đề tài là sản phẩm của sự phối hợp hướng dẫn giữa doanh nghiệp và nhà trường mang tính ứng dụng, thực tiễn cao. Có những đề tài kết hợp 4-5 mô hình kinh tế lượng trong phân tích đánh giá với nhiều bước chọn lọc, phân tích dữ liệu. Nguồn dữ liệu cũng đa dạng từ dữ liệu quốc tế, dữ liệu thị trường, điều tra, khảo sát…

Nhiều đề tài sử dụng các mô hình toán tài chính hiện đại, mô hình kinh tế lượng nâng cao, kết hợp lập trình để tăng tốc độ tính toán, mở rộng phạm vi ứng dụng… Có thể nói các đề tài được nâng cao chất lượng toàn diện, nhiều đề tài trình bày tiếng Anh, có tính logic cao, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Qua các cuộc thi đã có nhiều sinh viên công bố nghiên cứu khoa học ở các Hội thảo quốc gia, quốc tế, nhiều công trình được phát triển đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín như: Tạp chí Kinh tế đối ngoại của Đại học Ngoại thương, tạp chí Tài chính kế toán, tạp chí Studies in Computational Intelligence (trong danh mục Scopus), tạp chí International Journal of Economic Research…

Các thế hệ sinh viên tham dự Hội thi đã tự tin tham gia các hoạt động nghiên cứu quốc tế, tiếp tục du học và vững vàng tiếp cận, ổn định trong các môi trường làm việc cạnh tranh ngay sau khi ra trường.

Hội thi cũng cho thấy sinh viên các trường đã sẵn sàng ứng dụng các kiến thức được lĩnh hội trên giảng đường nói chung, ứng dụng các mô hình toán học, kinh tế lượng, và các phần mềm tin học để nghiên cứu các vấn đề kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy việc giảng dạy, học tập gắn với thực tiễn.

Ngọc Trang

Theo Giáo dục & Thời đại