Đồi chè đẹp mê hồn như bức tranh vẽ ở Mộc Châu - Sơn La
Vào bất cứ thời điểm nào trong năm, huyện Mộc Châu (Sơn La) vẫn luôn được bao bọc bởi sắc xanh đầy sức sống của những đồi chè. Hơn 60 năm “ươm mầm, bén rễ” trên mảnh đất cao nguyên, qua nhiều bước thăng trầm, cây chè không chỉ là đặc sản giúp bà con phát triển kinh tế mà còn thu hút du khách thập phương tới thưởng ngoạn, check-in, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Mộc Châu.
Đặc biệt, du khách có thể rong ruổi trên chiếc xe máy, vượt những khúc cua tay áo vòng vèo để chạy từ đồi này sang thung kia, chiêm ngưỡng sự biến đổi diệu kì của cảnh quan thiên nhiên. Hương chè thơm thoang thoảng trong không khí. Hai thời điểm phù hợp nhất để chụp đồi chè là giữa tháng 3 đến giữa tháng 4 và giữa tháng 7 đến giữa tháng 8 hằng năm - khi búp non đâm chồi, đồi chè thay màu áo mới mơn mởn sức sống.
Mộc Châu cách Hà Nội gần 200 km. Nếu đi bằng xe máy, du khách nên đi theo đường quốc lộ 6 cũ bởi dọc đường có rất nhiều cảnh đẹp nhưng nên lưu ý tay lái bởi đường xuống cấp cũng khá nhiều. Quãng đường đi mất khoảng 4-5 tiếng. Trên đường đi, du khách còn có thể kết hợp tham quan được thêm các địa điểm cũng không kém phần nổi tiếng như đèo Thung Khe, Mai Châu, Ba Khan,… Bởi vậy, việc đi du lịch Mộc Châu bằng ô tô hoặc xe máy là một điều nên làm nếu du khách muốn có một chuyến đi chủ động.
Đồi chè Mộc Châu được hình thành từ năm 1958, đến nay có tổng diện tích hơn 1.850 ha, chia làm nhiều khu vực. Từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm có lẽ là thời điểm đẹp nhất chè sẽ xanh tươi, các tháng mùa đông lạnh sương muối chè bị ảnh hưởng nên màu sẽ bị sẫm màu. Đây cũng là mùa thu hoạch, đồi chè sẽ nhộn nhịp, sôi động từ 7h sáng đến 14h chiều, với những đôi tay nhanh thoăn thoắt hái búp chè, cùng đó là tiếng cười nói rộn ràng vang vọng khắp cả vùng "thảo nguyên" chè.
Bên cạnh đó, tỉnh Sơn La còn được biết đến những vùng chè nổi tiếng như đồi chè Phổng Lái, huyện Thuận Châu, đồi chè Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn... Khám phá những cây chè cổ thụ ở Sơn La như rừng đặc dụng Tà Xùa có tổng diện tích hơn 17.650 ha trải dài trên địa bàn các xã Mường Thải, Suối Tọ (Phù Yên), xã Háng Đồng, Tà Xùa (Bắc Yên). Nằm ở độ cao trên 2.000 m so với mực nước biển, với độ ẩm cao, không khí lạnh và mây mà bao phủ, rừng đặc dụng Tà Xùa mang đậm vẻ hoang sơ với hệ động, thực vật phong phú và nhiều nguồn gen quý hiếm.
Rừng chè shan tuyết cổ thụ với diện tích 140.000 ha đang được đồng bào dân tộc Mông bảo vệ. Họ coi đây là “kho báu cổ” giúp mình thoát cảnh nghèo đói, vươn lên làm giàu. Trong số đó, tại bản Bẹ, Tà Xùa, có khoảng 178ha chè shan tuyết tham gia liên kết với doanh nghiệp tạo thành chuỗi sản xuất khép kín. Những búp chè tươi mới thu hái sẽ được đưa vào chuyền chế biến chè đồng bộ, áp dụng quy trình kỹ thuật hiện đại kết hợp với kinh nghiệm thủ công lâu năm của người dân bản địa tạo ra những thành phẩm đạt chất lượng cao. Nhờ đó, chè shan tuyết từ không có thương hiệu nay trở thành sản phẩm OCOP 4 sao cấp quốc gia.
Yên Bái độc đáo chè shan tuyết
Chè shan tuyết được xem là một đặc sản của tỉnh Yên Bái, không chỉ được biết đến ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đặc biệt, chè shan tuyết Suối Giàng thuộc huyện Văn Chấn, nằm ở độ cao từ 1.500 đến 1.800 m so với mực nước biển, khí hậu ôn hòa với hàng chục nghìn cây chè cổ thụ hơn 100 tuổi, có cây đến 300 năm tuổi và là một trong những cây chè lâu năm nhất của thế giới còn sót lại.
Theo tư liệu từ sổ lưu niệm của Khu du lịch Suối Giàng, vào những năm 60 của thế kỷ 20, Viện sĩ K.M.Giem-mu-khat-de thuộc Viện Sinh hóa A.Ba Cu (Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô) khi đến Suối Giàng đã phải thốt lên: "Tôi đã đi qua 120 nước có cây chè trên thế giới nhưng chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng. Chè ở đây độc đáo, trong bát nước chè xanh có đủ 18 vị đầu đẳng của chè trên thế giới".
Tỉnh cũng đã triển khai Đề án phát triển chè shan vùng cao ở huyện Văn Chấn, theo hướng hữu cơ, tự nhiên. Từ chỗ trông chờ hoàn toàn vào tự nhiên, nay đồng bào vùng cao biết trồng chè shan tập trung, giâm cành để mở rộng vùng chè, nâng cao năng suất, sản lượng. Vì vậy, huyện Văn Chấn đã đề nghị Nhà nước tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho đồng bào vùng cao phát triển các diện tích chè shan tuyết một cách bền vững.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có 3.630 ha chè (đứng thứ 6/18 tỉnh trong cả nước về diện tích chè), phân bố ở 8/9 huyện, thành phố; năng suất bình quân đạt 4,5 tấn/ha, đạt sản lượng hơn 12 nghìn tấn búp tươi/năm. Trong số đó, có hơn 3.000 ha chè shan tuyết, cho sản lượng 75.000 tấn búp tươi mỗi năm, phần lớn được dành để xuất khẩu.
Lào Cai đặc biệt phát triển cây chè Ô Long
Ðể mở rộng diện tích, nâng cao sản lượng và chất lượng chè, tỉnh Lào Cai đã có đề án về quy hoạch, phát triển cây chè đến năm 2015. Theo đó, tỉnh đầu tư 216 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân trồng mới 1.000 ha; tổ chức thâm canh, ứng dụng khoa học - kỹ thuật sản xuất chè sạch theo chương trình Viet GAP, đầu tư thêm bốn dây chuyền chế biến chè công nghệ cao để tạo ra sản phẩm chè Ô Long chất lượng tốt, giá bán cao.
Mục tiêu nhằm nâng giá trị thu nhập của người trồng chè từ 20 triệu đồng/ha lên 40 triệu đồng/ha; thu nhập của người dân từ bán nguyên liệu đạt 140 tỷ đồng; doanh thu sau chế biến đạt giá trị khoảng 300 tỷ đồng/năm; tạo ra sản phẩm chè chất lượng cao, có thương hiệu đủ sức cạnh tranh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nâng cao hiệu quả kinh tế trồng chè ở huyện Tam Đường - Lai Châu
Ở huyện Tam Đường hiện nay, cây chè vẫn là giống cây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây. Hơn nữa, Tam Đường cũng là một trong những huyện có diện tích trồng chè lớn của tỉnh Lai Châu; Chỉ tính riêng xã Bản Giang của huyện Tam Đường diện tích trồng chè gần 300ha, chiếm gần 10% diện tích toàn huyện.
Thuận lợi từ điều kiện tự nhiên phát triển cây chè là vậy, nhưng trên địa bàn huyện Tam Đường chưa có cơ sở bao tiêu ổn định, người nông dân phải chở đi bán ở những điểm thu gom rất xa, khiến chi phí tăng lên, dẫn đến thu nhập không cao.
Đến nay, sau nhiều năm loay hoay tìm đầu ra ổn định hơn cho cây chè, đến nay chuỗi liên kết từ chăm sóc, thu hái đến bao tiêu tại chỗ của các cơ sở thu mua chè trên địa bàn xã Bản Hon, Bản Giang của huyện Tam Đường đã giúp người trồng chè có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Những năm qua, người nông dân trồng chè ở huyện Tam Đường (Lai Châu) phải loay hoay bán chè xanh với giá thấp, không có nhà thu mua ổn định, đầu ra bấp bênh... Đến nay chuỗi liên kết sản xuất chè là hướng đi mới giúp người nông dân trồng chè nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được bền vững...
PHI LONG