Khó khăn tiêu thụ do Covid-19, doanh nghiệp chè chuyển hướng “bán hàng online”

Bán hàng online, thương mại điện tử tuy không mới, nhưng đối với doanh nghiệp chè thì đây là hình thức tiêu thụ hiệu quả trước hết là để vượt khó trong tiêu thụ do Covid gây ra, lâu dài là phù hợp với xu thế bán hàng. Nhiều cách làm hay, sáng tạo của cả chính quyền và doanh nghiệp đang được triển khai.

Sản phẩm chè xanh Ngọc Thuý lên sàn giao dịch điện tử Posmart  
Sản phẩm chè xanh Ngọc Thuý lên sàn giao dịch điện tử Posmart  

Trong những tháng gần đây, tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong và ngoài nước tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng tới các hoạt động truyền thống trong kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, là nguyên nhân chính khiến tình hình tiêu thụ nông sản tại nhiều địa phương gặp rất nhiều khó khăn.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã tác động to lớn tới tình hình sản xuất cũng như tiêu thụ, làm đứt gãy chuỗi lưu thông từ sản xuất, nguyên vật liệu vật tư nông nghiệp đầu vào cho đến các khâu như thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, phân phối tới các tỉnh thành phố để tiêu thụ cũng như xuất khẩu. Đặc biệt, tình hình giao nhận hàng hóa giữa các khu vực trong tỉnh, liên tỉnh gặp nhiều khó khăn khi nhiều tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16.

Đối với ngành chè, ngoài các thị trường xuất khẩu, tiêu thụ trong nước từ trước tới nay vẫn chủ yếu theo hình thức truyền thống qua các chương trình xúc tiến thương mại, ngày hội đồ uống và bán sản phẩm trực tiếp thông qua các đại lý, siêu thị và các kênh phân phối uy tín. Tuy nhiên, dưới tác động tiêu cực của dịch Covid 19, hình thức tiêu thụ nêu trên gặp khó, khiến sản lượng chè tồn kho trong nước tăng… Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp hay các sàn thương mại điện tử đã nhanh chóng triển khai nhiều sự kiện đẩy mạnh tiêu thụ hàng hoá và nông sản trên môi trường trực tuyến, hỗ trợ người dân trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản đang vào mùa vụ cũng như đưa sản phẩm nông nghiệp đến tay người dân thành phố.

Lợi thế của thương mại điện tử là tốc độ nhanh, phạm vi toàn cầu, có thể kết nối trực tiếp từ người bán tới người tiêu dùng, là yếu tố quan trọng khiến phạm vi nhóm hàng, sản phẩm, đối tượng bán hàng được mở rộng hơn và với chi phí thấp hơn nhiều so với thương mại truyền thống. Do vậy, ứng dụng thương mại điện tử để hỗ trợ, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản đang trở thành xu thế kinh doanh tất yếu trong bối cảnh hội nhập hiện nay, hướng đến kênh phân phối tiêu thụ hiện đại và mang tính bền vững.

Khó khăn tiêu thụ do Covid-19, doanh nghiệp chè chuyển hướng “bán hàng online” - Ảnh 1

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), nối tiếp các hoạt động đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, các vùng miền địa phương đã rất thành công với hàng nghìn tấn nông sản, hàng hoá trên các sàn thương mại điện tử được tiêu thụ từ đầu năm đến nay. Hình thức bán hàng online tuy không mới, nhưng đối với các HTX sản xuất và kinh doanh những sản phẩm OCOP là cả một quá trình bởi sản phẩm OCOP mang tính đặc trưng và bị bó hẹp theo vùng miền. Muốn để nhiều người biết đến, chỉ có thể áp dụng kinh doanh trên nền tảng số mới giúp xóa nhòa khoảng cách địa lý.

Đơn cử như sản phẩm chè của HTX sản xuất chè an toàn Long Cốc (Phú Thọ) đã được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để mở rộng thị trường, HTX vừa thực hiện bán hàng trên website: chelongcocphutho.vn, trên các sàn thương mại điện tử và trên Zalo, Facebook. Cách làm này đã giúp HTX mở rộng khách hàng, đại lý, kênh phân phối trên cả nước. Trung bình mỗi năm, HTX bán khoảng 70 - 80 tấn chè tươi; 10 - 12 tấn chè khô thông qua hình thức này.

Theo chị Phạm Thị Thủy, Chủ nhiệm HTX Chè Thủy Thuật, xã Phúc Trìu, TP Thái Nguyên cho biết, HTX đăng ký để đưa sản phẩm chè lên sàn Voso.vn. Viettel Post hỗ trợ phí vận chuyển, áp dụng đồng giá 11.000 đồng cho đơn hàng trọng lượng tới 30kg từ Hải Dương đến một số địa phương.

Đến nay, HTX được hỗ trợ thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, các sản phẩm chè của HTX được thị trường ngoài tỉnh biết đến nhiều hơn, đối tác cũng được mở rộng, do vậy mà số lượng hàng hóa sản xuất, tiêu thụ đã tăng lên đáng kể. “Đưa được sản phẩm nông sản lên sàn TMĐT đã giúp DN, HTX, nông dân có điều kiện tham gia phân phối sản phẩm nông sản an toàn cho cộng đồng qua hình thức bán hàng trực tuyến.

Đây cũng là kênh thông tin giúp DN quảng bá thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình trên hệ thống chợ thương mại điện tử một cách dễ dàng, thuận lợi, chi phí thấp hoặc miễn phí... Với những lợi ích như vậy thì ngay chính bản thân người nông dân phải chủ động học hỏi và tiếp cận chuyển đổi số”, chị Phạm Thị Thủy chia sẻ.

Cũng giống như các ngành nghề khác, nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP của các HTX đang tiếp bước và phát triển mạnh dịch vụ bán online trong thời kỳ dịch bệnh. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua các sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Chính vì thế, việc tổ chức tập huấn cho các tổ hợp tác, hợp tác xã được tiếp cận với số hóa do Liên minh Hợp tác xã tỉnh tổ chức là rất cần thiết để người nông dân tự đăng tải sản phẩm của đơn vị mình lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, bao gồm: Sàn voso.vn của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; sàn postmart.vn của Bưu điện Việt Nam và sàn lmhtxvnmart.com.vn của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Ban giám đốc HTX sản xuất chè Long Cốc giới thiệu website của HTX tới khách hàng.  
Ban giám đốc HTX sản xuất chè Long Cốc giới thiệu website của HTX tới khách hàng.  

Theo thống kê, các trang thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada… vào những ngày cao điểm có đến 30-40 triệu lượt người ghé thăm. Riêng Shopee, vào ngày lễ hội giảm giá 12/12 năm 2019, sàn thương mại này đã bán được 12 triệu sản phẩm và cũng ngày này vào năm 2020, sàn này đã bán được 70 triệu sản phẩm. Theo các chuyên gia, HTX có thể nắm bắt thế mạnh từ các sàn thương mại điện tử để liên kết đầu tư các gian hàng về sản phẩm OCOP một cách chuyên nghiệp.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam và Tổng công ty Bưu chính Viettel triển khai tư vấn, hướng dẫn các chủ thể cách bán hàng trên các sàn thương mại điện tử như: Voso.vn; Postmart… Đến nay, các chủ thể như HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đưa hơn 3.000 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử và có đến 21 nghìn đơn hàng/tháng được chuyển đến tận tay người mua.

Song song với bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok đang là lựa chọn của nhiều HTX, tổ hợp tác.

Hệ thống bưu điện cũng đã chủ động xây dựng tài liệu hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tài khoản và đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử bằng nhiều hình thức khác nhau; đào tạo, hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp về kỹ năng số và cách thức để có thể sử dụng các thiết bị di động thông minh trong quá trình giao dịch trên sàn thương mại điện tử; xây dựng quy trình đóng gói - kết nối - giao nhận để hỗ trợ kỹ thuật tác nghiệp cho hộ sản xuất nông nghiệp trong quá trình kết nối mua bán trên sàn thương mại điện tử; thống nhất cách thức đóng gói, bảo quản, giao - nhận, bán hàng; triển khai giải pháp về truy xuất nguồn gốc hàng hóa uy tín trên sàn thương mại điện tử để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như độ tin cậy của khách hàng khi mua sản phẩm nông sản.

Theo TS. Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, tiêu thụ chè bằng hình thức bán hàng online không chỉ là giải pháp tạm thời, ứng phó linh hoạt với khó khăn do Covid-19 gây ra mà về lâu dài, đây là xu thế của bán hàng, của chuyển đổi số… mang lại hiệu quả cao cho doạn nghiệp, rất cần được quan tâm phát triển.

“Tuy nhiên, để giữ uy tín và thương hiệu cũng như phát triển lâu dài, ngoài áp dụng các biện pháp để tăng doanh số bán hàng, doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm chè, để dù bán qua hệ thống nào cũng giữ được uy tín với người tiêu dùng”, TS. Tài lưu ý.

* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.