Kinh Bắc hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh năm 2021 bằng cách nào?

Tính đến thời điểm ngày 30/6, Kinh Bắc (KBC) có các khoản vay dài hạn ở nhiều ngân hàng với tổng giá trị 3.049 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo gồm dự án, quyền sử dụng đất và tài sản hình thành tương lai của nhiều dự án.

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc) có địa chỉ tại Khu công nghiệp Quế Võ, Xã Phương Liễu, Huyện Quế Võ, Tỉnh Bắc Ninh được thành lập ngày 27/3/2002 và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2003. Các lĩnh vực hoạt động của Kinh Bắc Cty bao gồm đầu tư, xây dựng và kinh doanh, cơ sở hạ tầng khu đô thị - thương mại – khu công nghiệp – dịch vụ đa năng…

Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc
Ông Đặng Thành Tâm - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc

Tháng 12/2007, Công ty Kinh Bắc chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, với mã cổ phiếu là KBC. Tháng 5/2009, Công ty KBC chính thức đổi tên thành Tổng công ty phát triển Đô thị Kinh Bắc do ông Đặng Thành Tâm làm Chủ tịch.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (Kinh Bắc, mã KBC, sàn HoSE) hiện có tổng cộng 11 công ty con, đều hoạt động liên quan đến bất động sản, chủ yếu là các chủ đầu tư khu công nghiệp.

Trong số các công ty con, Kinh Bắc nắm 100% vốn tại 5 công ty. Đó là Công ty TNHH một thành viên Phát triển Đô thị Tràng Cát, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư NGD, Công ty TNHH một thành viên Kinh doanh văn phòng và nhà xưởng Kinh Bắc, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng và Công ty TNHH Phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp Tân Tập.

Trong một số công ty, Kinh Bắc City không nắm vốn trực tiếp, mà nắm vốn gián tiếp thông qua một công ty trung gian.

Chẳng hạn, Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Tân Phú Trung - Long An được Kinh Bắc City nắm gián tiếp thông qua Công ty cổ phần Phát triển đô thị Sài Gòn - Tây Bắc, Công ty TNHH một thành viên Khu công nghiệp Bắc Giang - Long An được Kinh Bắc City nắm gián tiếp qua Công ty cổ phần Khu Công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang.

Công ty TNHH Phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp Tân Tập được Kinh Bắc City nắm gián tiếp qua Công ty cổ phần Khu công nghiệp Sài Gòn - Hải Phòng.

Tham vọng của ông “lớn” bất động sản

Năm 2021, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) đặt kế ra kế hoạch kinh doanh với mục tiêu cả doanh thu và lợi nhuận sau thuế sẽ tăng trưởng mạnh mẽ lần lượt lên 6.600 tỷ đồng (tăng gấp 3 lần năm 2020) và 2.000 tỷ đồng (tăng gấp 6,7 lần năm 2020). Kinh Bắc cho biết, động lực tăng trưởng chính đến từ việc đẩy mạnh bàn giao cả khu công nghiệp và khu đô thị.

Kết quả kinh doanh của KBC trong thời gian vừa qua
Kết quả kinh doanh của KBC trong thời gian vừa qua

Ghi nhận kinh doanh từ báo cáo tài chính quý 2/2021, KBC ghi nhận doanh thu thuần đạt xấp xỉ 750 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 70,6 tỷ đồng (lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 34,4 tỷ đồng), lần lượt tăng 336% và 541% so với cùng kỳ năm trước.

Theo giải trình, nguyên nhân khiến lợi nhuận tại Kinh Bắc quý 2/2021 tăng đột biến là do công ty tăng ghi nhận doanh thu từ hợp đồng cho thuê đất khu công nghiệp và đô thị.

Mặc dù doanh thu và lợi nhuận quý 2/2021 tăng cao so với cùng kỳ tuy nhiên so với 2 quý gần đây thì lại thấp hơn đáng kể.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.752 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 785 tỷ đồng, lần lượt tăng 278% và 647% so với cùng kỳ năm trước.

Tài sản đảm bảo của các khoản vay

Dù kết quả kinh doanh ấn tượng song lợi nhuận sau thuế chỉ mới thực hiện được hơn 39% so với mục tiêu 2.000 tỷ đồng đề ra cho năm 2021. Doanh thu cũng mới thực hiện được khoảng 42% so với mục tiêu 6.600 tỷ đồng đề ra. Trong khi đó, các khoản vay tại doanh nghiệp cũng ngày một phình to.

Tính đến thời điểm ngày 30/6, tổng nợ phải của KBC ghi nhận 15.120 tỷ đồng, tăng 15% và chiếm 55% tổng tải sản. Trong đó, nợ ngắn hạn ghi nhận 7.343 tỷ đồng tăng 5%, tuy nhiên nợ dài hạn tăng mạnh 26% lên 7.776 tỷ đồng.

Nợ phải trả của KBC
Nợ phải trả của KBC

Một số các khoản nợ lớn tại KBC được ghi nhận hiện nay tại các đơn vị như khoản vay 2.500 tỷ đồng tại ngân hàng PvcomBank với lãi suất 11,5%/năm; Hình thức bảo đảm bằng tất cả tài sản liên quan đến dự án Tràng Cát.

Tiếp đến là khoản vay 201,4 tỷ đồng tại Ngân hàng Vietinbank với lãi suất 9,5-10,5%/năm. Kỳ hạn trả lãi gốc là 6 tháng 1 lần, lãi vay trả 3 tháng 1 lần vào ngày 25. Hình thức đảm bảo của khoản vay gồm toàn bộ tài sản hình thành từ chi phí đầu tư mà Công ty đã đầu và sẽ đầu tư trong tương lai vào 100ha giai đoạn 1 KCN Nam Sơn – Hạp Lĩnh và các quyền tài sản phát sinh từ các hợp đồng kinh tế…

Tại ngân hàng TMCP Tiên Phong, doanh nghiệp có khoản vay 265,8 tỷ đồng với lãi suất 10,5%/năm. Kỳ hạn trả gốc và lãi tối đa 6 năm từ ngày giải ngân đầu tiên (tháng 7 năm 2020). Thời gian ân hạn gốc là 12 tháng kể từ ngày giải ngân. Lãi vay thanh toán vào ngày 26 hàng tháng. Đối với khoản vay này, hình thức bảo đảm được KBC sử dụng quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất của các lô đất chưa bán thuộc Dự án đầu tư xây dựng KĐT Dịch vụ Thương mại và nhà ở công nhân Tràng Duệ.

Cuối cùng khoản vay 54 tỷ tại BIDV - chi nhánh Bắc Ninh, lãi suất 10%/năm có kỳ trả hạn gốc và lãi 6 tháng 1 lần, lãi vay trả 3 tháng 1 lần vào ngày 25. Hình thức đảm bảo bằng toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai bao gồm quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của KĐT Phúc Ninh – phân khu có quy mô 22ha.

Bên cạnh những khoản vay từ các ngân hàng, KBC cũng liên tục gia tăng khoản vay từ trái phiếu. Đơn cử như lô trái phiếu KBC2020-VB có giá trị 200 tỷ đồng với lãi suất 10,8% thời hạn đến 23/6/2022. Tài sản đảm bảo gồm nhà xưởng, nhà văn phòng gắn liền với đất tại khu công nghiệp Quế Võ và khu công nghiệp Quang Châu.

Lô trái phiếu KBC2020 DC có giá trị 400 tỷ đồng với lãi suất 11% thời hạn đến 28/1/200. Tài sản đảm bảo gồm nhà xưởng, nhà văn phòng và đất gắn liền tại khu công nghiệp Quế Võ và cổ phiếu công ty con.

Ngoài ra công ty còn lô trái phiếu KBC Bond1-2017 phát hành cho BIVD Bắc Sài Gòn với giá trị 180 tỷ đồng với lãi suất 9,3% thời hạn đến ngày 21/11/2020. Tài sản đảm bảo gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Hùng Vương, Phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng thuộc sử hữu của CTCP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam. Mới đây nhất, KBC phát hành lô trái phiếu KBC2021.AB với giá trị 1.500 tỷ đồng với lãi suất 10,8% thời gian đáo hạn vào ngày 22/2/2023. Tuy nhiên, lô trái phiếu này không có tài sản đảm bảo.

Nợ vay tăng mạnh dẫn tới chi phí lãi vay tại Kinh Bắc 6 tháng đầu năm tăng vọt 186% so với cùng kỳ, lên mức gần 241 tỷ đồng. Ngoài chi phí lãi vay, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ của Kinh Bắc hơn 259,5 tỷ đồng, tăng 164% so với cùng kỳ năm 2020.

Có thể thấy, tính tới cuối quý 2/2021, việc gia tăng vay nợ từ huy động trái phiếu của Kinh Bắc đã làm quy mô nợ phải trả tiếp tục phình to, sau khi đã tăng rất mạnh trong năm 2020. Do đó, áp lực nợ vay ngày càng lớn khiến chi phí lãi vay tăng vọt. 

Các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cũng cảnh báo, việc sử dụng đòn bẩy tài chính như sử dụng “con dao hai lưỡi”. Nếu tổng tài sản không có khả năng sinh ra một tỷ suất sinh lời đủ lớn để bù đắp chi phí lãi vay nợ thì tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu bị giảm sút, bởi lẽ phần lợi nhuận do vốn chủ sở hữu làm ra phải dùng để bù đắp sự thiếu hụt của khoản lãi vay phải trả.

Khả năng gia tăng lợi nhuận cao là điều mong ước của các chủ sở hữu, trong đó đòn bẩy tài chính là một công cụ được các nhà quản lý thường dùng. Đòn bẩy tài chính là công cụ hữu ích để gia tăng tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu hay gia tăng thu nhập một cổ phần, đồng thời cũng tiềm ẩn sự gia tăng rủi ro cho chủ sở hữu. Sự thành công hay thất bại này tuỳ thuộc vào chiến lược của chủ sở hữu khi lựa chọn cơ cấu tài chính.