Nhu cầu Bất động sản khu công nghiệp (KCN)
Theo thông tin từ Công ty Chứng khoán Công thương (VietinBank Securities - CTS) được biết, nhu cầu nhiều tiềm năng tăng trưởng nhờ xu hướng chuyển dịch nhà máy từ Trung Quốc sang ASIAN.
Bất động sản KCN miền Bắc: nhu cầu vẫn duy trì ở mức cao tuy bị đình trệ do dịch covid 19. Các giao dịch thành công trong quý I/2020 nhờ các dự án đàm phán từ trước dịch. Tỷ lệ lấp đầy dự báo tăng nhẹ lên mức 72%. Hải Phòng và Bắc Ninh vẫn tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt thị trường công nghiệp miền Bắc.
Với cơ sở hạ tầng phát triển khá và địa lý giáp với Trung Quốc, miền Bắc lợi thế thu hút các nhà sản xuất lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở Trung Quốc. Giá đất trung bình trong QI/2020 đạt 99 USD/m2 /chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà xưởng xây sẵn vẫn giữ ở mức giá thuê ổn định dao động từ 4,0-5,0 USD/m2/tháng.
Bất động miền Nam có nhu cầu cao nhưng lượng hấp thụ ròng bất động sản khu công nghiệp không cao. Tình trạng này là do giá đất tăng cao và do việc thiếu quỹ đất có sẵn để cho thuê ở một số thị trường. Giá đất trung bình trong quý 1/2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12,2% so với cùng kỳ, nhà xưởng xây sẵn có giá thuê dao động từ 3,5-5,0 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, Tp.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại địa bàn phía Nam. Đây là cơ hội cho các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp có sẵn quỹ đất dồi dào khi nhu cầu tăng (giá cho thuê tăng) trong khi quỹ đất sẵn có đã không còn nhiều. Triển vọng tương lai, đối với thị trường BĐS khu vực phía Nam, có khoảng 18.290 ha đất được định hướng cho phát triển công nghiệp, phần lớn nguồn cung tập trung ở các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai.
Quỹ đất và phương hướng phát triển của Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc
Cũng theo CTS, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc có lợi thế khi sở hữu quỹ đất sẵn sàng cho thuê lớn trong khi nhu cầu và giá cho thuê dự báo tiếp tục tăng.
Tổng quỹ đất đầu tư của Kinh Bắc hiện nay đang sở hữu hơn 5.278 ha đất KCN và 938,6 ha đất KĐT tập trung ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam.
Dự án trọng điểm KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh đã đầu tư 98,5 tỷ đồng cho việc san lấp, khảo sát thiết kế trạm nước sạch. Nam Sơn Hạp Lĩnh cũng là động lực chính của KBC theo dự phóng của CTS. Dự kiến 2020-2021, mỗi năm sẽ bán 50 – 55 ha từ KCN này.
KCN Quế Võ hiện hữu, KCN Quế Võ mở rộng đã thực hiện đầu tư trong năm là 43,8 tỷ đồng cho việc hoàn thiện hạ tầng và xây dựng nhà xưởng. Hai KCN này đã hoàn tất việc đầu tư và đã được lấp đầy 100% diện tích.
KCN Quang Châu đã đầu tư 196,2 tỷ đồng cho xây dựng cơ sở hạ tầng: Đền bù 15 ha, hoàn thiện san lấp 45,14 ha, hoàn thiện 4,33 km đường giao thông, 3,64 km đường điện, 4 km đường ống cấp nước, hoàn thiện Nhà máy nước sạch, nước thải giai đoạn 2 và hệ thống thoát nước. KCN Quang Châu đóng góp doanh thu điều đặn 15-20 ha cho KBC trong các năm tới.
KCN và KDC Tràng Duệ đã đầu tư 190,7 tỷ đồng, trong đó đầu tư vào KĐT Tràng Duệ là 152 tỷ đồng cho việc hoàn thiện hạ tầng (giải phóng mặt bằng, san lấp, nộp tiền sử dụng đất, làm đường, điện, cấp thoát nước,v.v.và xây dựng nhà phố thương mại - shophouse).
KDC Tràng Duệ đã được cấp sổ đỏ và bắt đầu ghi nhận doanh thu 4 ha từ quý IV/2019.
KCN Tân Phú Trung đã đầu tư 104,38 tỷ đồng thực hiện các dạng mục: đền bù, xây dựng hạ tầng (san lấp, làm đường, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh, ...). Đây là dự án tiềm năng sẽ đóng góp thay thế khi Nam Sơn Hạp Lĩnh bán hết.
KDC Phúc Ninh đã đầu tư trong năm là 125,5 tỷ đồng và việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng tiểu khu tiểu khu 22ha và 6,3ha bao gồm: Đền bù, san lấp, đường giao thông, hệ thống điện, nước và xây dựng hoàn thiện mặt ngoài 46 căn biệt thự. Kỳ vọng KDC Phúc Ninh sẽ hoàn thiện các vấn đề pháp lý để ghi nhận doanh thu và lợi nhuận từ năm 2020. Hiện KDC Phúc Ninh đã nhận đặt chỗ là 9.9 ha.
Trước đó, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (Mã: KBC) đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đề xuất thành lập khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) liền kề với KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Tại Bắc Ninh, doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư hai KCN là Quế Võ và Nam Sơn Hạp Lĩnh. Hiện tại, khách hàng thuê đất và đăng ký thuê đất tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh đang gia tăng nhanh chóng. Với diện tích 306 ha thì KCN này sẽ nhanh chóng được lấp đầy.
Còn KCN Quế Võ với hơn 100 doanh nghiệp lớn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực điện tử, cơ khí chính xác kỹ thuật cao đến nay đã hết đất cho thuê. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp hiện hữu tại đây đang có nhu cầu tiếp tục mở rộng sản xuất và muốn thuê đất tại địa điểm gần nhà máy đang hoạt động để thuận tiện cho sản xuất.
Kinh Bắc cho biết: “"Qua làm việc với các tổ chức xúc tiến thương mại của các nước cũng như các tập đoàn lớn đang có nhu cầu dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam, chúng tôi nhận thấy Bắc Ninh có môi trường đầu tư rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay. Tuy nhiên, quỹ đất có thể cho thuê tại hai KCN còn lại rất hạn hẹp, khả năng khó đáp ứng về diện tích và tiến độ bàn giao đất cho các tập đoàn lớn và số lượng lớn công ty vệ tinh mà doanh nghiệp đang tích cực thu hút về Bắc Ninh".
Do đó, doanh nghiệp này đề xuất tỉnh Bắc Ninh xem xét cho mở rộng một KCN hoặc thành lập hai CCN có vị trí sát với KCN Quế Võ, đồng thời có chủ trương cho phép Kinh Bắc làm chủ đầu tư.
Trước đề xuất này, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ vào quy hoạch được duyệt, đồ án quy hoạch triển khai thực hiện; xem xét nội dung đề nghị của doanh nghiệp để tham mưu, đề xuất, báo cáo chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định.
Về kết quả kinh doanh quý I/2021, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu thuần tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, từ 556 tỷ đồng lên 2.002 tỷ đồng. LNST đạt gần 715 tỷ đồng, trong khi quý cùng kỳ chỉ đạt hơn 94 tỷ đồng.
Kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện được hơn 30% kế hoạch doanh thu và gần 36% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tổng tài sản của Kinh Bắc tại cuối kỳ là 25.279 tỷ đồng, tăng 1.493 tỷ đồng so với đầu năm. Nợ phải trả 13.912 tỷ đồng.
Tạ Thành