Tới dự buổi lễ, gồm có: Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; PGS,TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; TS. Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSƯT Trần Ly Ly, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn; đồng chí Thang Thị Hạnh, Vụ trưởng Vụ tổ chức Phi Chính phủ, Bộ Nội Vụ; PGS.TS. Trần Khánh Thành, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhạc sĩ, NSND Phạm Ngọc Khôi - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đọc diễn văn kỷ niệm: “Ngay từ những bước đi đầu tiên, dòng âm nhạc cách mạng đã trở thành vũ khí sắc bén, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn, đóng góp tích cực trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống ngoại xâm với âm hưởng hào hùng còn vang vọng mãi tới hôm nay và mai sau. Nối tiếp con đường của nền văn học nghệ thuật cứu quốc, Hội Nhạc sĩ ra đời trong thời kỳ cam go đấu tranh thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, âm nhạc cách mạng Việt Nam tiếp tục thổi bùng lên ngọn lửa truyền thống, khơi dậy lòng yêu nước, tình nhân ái, yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống. Suốt 65 năm qua, Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc, đất nước.
Ngày đầu thành lập với hơn 50 nhạc sĩ - nghệ sĩ từ chiến khu về và trong lòng Hà Nội đã tập hợp dưới mái nhà chung, mở ra con đường sáng tạo của âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam. Ở thời điểm kỷ niệm 65 năm truyền thống vẻ vang hôm nay, chúng ta luôn ghi nhớ và biết ơn các nhạc sĩ đã có công gây dựng “Ngôi nhà âm nhạc” - đó là các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát (Chủ tịch khóa I - II); Đỗ Nhuận (Tổng Thư ký khóa I - II); Lưu Hữu Phước (Phó Tổng Thư ký khóa I - II); Huy Du (Tổng Thư ký khóa III); Ca Lê Thuần (Tổng Thư ký khóa IV); Trọng Bằng (Tổng Thư ký khóa V - VI) và các nhạc sĩ tham gia Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra, Hội đồng Nghệ thuật trong suốt 10 nhiệm kỳ. Chúng ta cũng xúc động tưởng nhớ tới các nhạc sĩ - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường lúc tuổi đời còn rất trẻ, khi tài năng và nhiệt tình đang bừng cháy như các anh: Nhạc sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Hoàng Việt, hy sinh năm 1976 tại Cái Bè, Tiền Giang; Nhạc sĩ - Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Vĩnh Bảo, hy sinh năm 1966 tại phía Bắc sông Sài Gòn; Nhạc sĩ Văn Cận, hy sinh năm 1968 tại Điện Bàn, Quảng Nam. Các Nhạc sĩ - Liệt sĩ: Trịnh Quý, Nguyễn Mỹ Ca, La Hối... Trong ngày vui hôm nay chúng ta vô cùng thương tiếc các bác, các anh - những tài năng trẻ tuổi đã để lại những tác phẩm âm nhạc sống mãi với thời gian và truyền lại cho các thế hệ nhạc sĩ tiếp theo ngọn lửa truyền thống cách mạng và sáng tạo âm nhạc.
65 năm qua là chặng đường phấn đấu, trưởng thành, và lớn mạnh không ngừng cả về tổ chức, đội ngũ. Tiêu biểu cho sự phát triển này là những thành tích xuất sắc mà đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Sao Vàng; Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. Những nhạc sĩ tiêu biểu được trao tặng Danh hiệu cao quý - Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật, đợt I (1996) là các nhạc sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Hoàng Việt, đến nay đã có 22 nhạc sĩ được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, 122 nhạc sĩ được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, 70 Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân, gần 300 Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Ưu tú. Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã phát triển tới trên 1.500 hội viên, gồm 4 chuyên ngành: Sáng tác, Lý luận, Biểu diễn và Đào tạo, phạm vi hoạt động rộng khắp trong 65 chi hội cả nước.”
“Một dấu son trên chặng đường 65 năm Hội Nhạc sĩ Việt Nam là việc Đảng và Nhà nước cho phép lấy ngày 3/9 hàng năm làm Ngày Âm nhạc Việt Nam bắt đầu từ năm 2010. Đến nay, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao và hợp tác với nhiều tổ chức âm nhạc Quốc tế, như: Hội Nhạc sĩ Liên Xô (cũ), Trung Quốc, Đức, Bungari, Triều Tiên, Nhật Bản, Đan Mạch, Ba Lan, Cu Ba, Hungari, Lào... Thời gian gần đây, Ban Chấp hành đã nối lại quan hệ với Hội Nhạc sĩ Uzơbêkistan, Hội Nhạc sĩ Liên bang Nga, Hội Nhạc sĩ Trung Quốc; Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore, Philipines... Hội là thành viên chính thức của Hiệp hội các nhà soạn nhạc châu Á - Thái Bình Dương (ACL) năm 2014.” (Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam)
Thiếu tướng, Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh nhấn mạnh: “Nhìn lại chặng đường 65 năm qua, các thế hệ nhạc sĩ đã có những đóng góp to lớn trong cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Hội Nhạc sĩ Việt Nam tự hào là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, được Đảng và nhà nước giao nhiệm vụ, nguyện xứng đáng với lòng tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Tự hào với truyền thống, vững tin vào tương lai, với tinh thần Đoàn kết - Sáng tạo - Đổi mới - Hội nhập, các thế hệ nhạc sĩ Việt Nam nguyện đồng hành cùng dân tộc trên con đường xây dựng và phát triển nền Văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.”
Nhạc sĩ Huyền Ngọc thay mặt cho thế hệ Nhạc sĩ trẻ phát biểu: “Chúng tôi biết ơn những đóng góp của các thế hệ Nhạc sĩ đã cống hiến để có ngày hoà bình thống nhất hôm nay, cho chúng tôi thế hệ trẻ được sống, được viết, được tiếp tục cống hiến. Chúng tôi luôn xác định trách nhiệm kế thừa truyền thống của các thế hệ đi trước, tiếp tục phấn đấu, phát huy tính sáng tạo, phản ánh tính chân thực trong cuộc sống, để góp phần cổ vũ, động viên, thôi thúc, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, sức mạnh đại đoàn kết và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.”
Nhân dịp này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam quyết định tặng giải thưởng Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2022. Trong đó, thể loại Ca khúc có 04 tác phẩm giải A; 15 tác phẩm giải B; 13 tác phẩm giải C; 11 tác phẩm giải khuyến khích. Về thể loại Ca khúc thiếu nhi, gồm có 01 tác phẩm giải A; 01 tác phẩm giải B; 03 tác phẩm giải C và 01 tác phẩm giải khuyến khích. Về thể loại Giao hưởng có 02 tác phẩm giải khuyến khích. Nhạc Thính phòng gồm 01 tác phẩm giải C và 01 tác phẩm giải khuyến khích. Về Hợp xướng gồm 01 tác phẩm giải B; 02 tác phẩm giải C và 04 tác phẩm giải khuyến khích. Về thể loại ca khúc Nghệ thuật gồm có 02 tác phẩm giải C và 01 tác phẩm giải khuyến khích. Có 02 chương trình nhận được giải Chương trình biểu diễn nghệ thuật xuất sắc. Về sách biên soạn có 01 tác phẩm được trao giải B; 01 tác phẩm giải C và 02 tác phẩm giải khuyến khích. Về báo chí, gồm có 01 giải A, 01 giải B và 01 giải C.
Phi Long