Công tác mặt trận - cụm từ ấy đã trở nên gần gũi với hầu hết chúng ta. Là một bộ phận quan trọng của hệ thống chính trị đất nước do Đảng lãnh đạo, có hệ thống tổ chức chặt chẽ, rộng rãi từ trung ương đến địa phương, Mặt trận Tổ quốc như rễ cây ăn sâu, bén rễ vào mọi giai tầng xã hội.
Trong lịch sử, nhất là khi đất nước còn chiến tranh, tiếng nói, uy tín của mặt trận (với danh nghĩa của nhiều tổ chức chính trị khác cùng tham gia) đã tạo nên thế trận chính trị vững chắc- huy động cao nhất sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tiến hành các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành và giữ nền độc lập tự do của mình.
Từ khi đất nước có hòa bình, độc lập, thống nhất, bộ máy tổ chức, phương thức hoạt động, cách tiếp cận, tập hợp lực lượng xã hội của mặt trận tổ quốc các cấp thường xuyên đổi mới. Bầu cử đại biểu quốc hội; tập hợp ý kiến nguyện vọng cử tri trong các kỳ họp quốc hội; tiến hành đại hội đảng toàn quốc…là những hoạt động quan trọng, ở đó vai trò mặt trận được thể hiện rõ nét.
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu sắc, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, hoạt động của mặt trận được triển khai có hiệu quả nhờ người Việt Nam có truyền thống yêu nước, đoàn kết, chung lưng đấu cật, tương thân tương ái. Xây dựng đất nước giàu mạnh, khát khao hòa bình, cuộc sống ấm no, hạnh phúc, luôn đi theo Đảng, dẫn dắt, tập hợp của mặt trận phục vụ lợi ích đất nước. Hoạt động của mặt trận cũng gặp không ít khó khăn. Lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, thái độ bàng quang với thời cuộc, sự phân tâm, suy giảm niềm tin…làm cho “chất keo” đoàn kết một lòng bị ảnh hưởng ít nhiều.
Lực lượng nòng cốt của mặt trận các cấp gồm nhiều lứa tuổi, thường là người có tuổi, giàu kinh nghiệm thực tiễn, vốn sống, từng trải qua vị trí công tác khác nhau ở nhiều cấp. Họ là nhà chỉ đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, các trí thức, nhà khoa học, cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu…Đó chính là lợi thế để họ phát huy uy tín chính trị, vai trò dẫn dắt bằng ảnh hưởng cá nhân. Ý kiến cử tri cả nước kiến nghị góp ý với Đảng, nhà nước, chính phủ thông qua tổ chức mặt trận các cấp nhất là các kỳ họp quốc hội rất quan trọng, được ví như “hội nghị Diên Hồng” trong lịch sử dân tộc.
Nhân dân, cử tri lắng nghe, làm theo lời “hiệu triệu” của mặt trận hay không cũng phải được kiểm nghiệm bằng thực tiễn cuộc sống. Triển khai hiệp thương bầu đại biểu quốc hội, thực hiện chức năng giám sát phản biện chính sách, đề án…của trung ương hay địa phương ban hành; động viên toàn dân triển khai nghị quyết của Đảng, chủ trương chính sách của nhà nước, điều hành của chính phủ; phản ảnh tâm tư, nguyện vọng ý chí của nhân dân trước những vấn đề đại sự quốc gia với Đảng, nhà nước, quốc hội…được xem là công việc trọng tâm của mặt trận. Mặt trận tổ quốc có sự tham gia tích cực, trách nhiệm của nhiều lực lượng xã hội: trí thức, lực lượng vũ trang, người lao động, thanh niên, người cao tuổi…Ý kiến của họ luôn thể hiện thái độ xây dựng, tâm huyết, tận hiến. Hiệu quả lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước, giám sát của quốc hội được coi là “hàn thử biểu” để người dân tin ít hay nhiều, có niềm tin chính trị vững chắc đến mức nào?
Trong những hoạt động mang tính xã hội từ cơ sở đến trung ương, hình bóng người làm công tác mặt trận luôn xuất hiện, thậm chí in đậm cùng với hoạt động của tổ chức chính trị - xã hội khác như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, tổ dân phố… Với tư cách là người đại diện cho dân, nhân viên, cán bộ mặt trận làm việc không ngừng nghỉ, tự nguyện cống hiến với cái tâm, cái trí, kinh nghiệm tích lũy trong công việc luôn gắn với dân, vì cuộc sống của người dân. Huy động sức mạnh cộng đồng, mọi người dân vào những công việc đột xuất, định kỳ, hay phong trào đều cần đến tinh thần nêu gương, lòng kiên trì, cần mẫn; uy tín, thái độ ứng xử khiêm nhường của người làm công tác mặt trận. Đánh thức sự tự nguyện, tự giác, tinh thần xả thân, tận hiến của cộng đồng xã hội không chỉ là hoạt động quyên góp vật chất, công sức trong hoạt động thiện nguyện, công ích mà hơn thế là khai thác trí tuệ, kế sách, giải pháp mang tầm quốc gia, thậm chí cả sự hy sinh của các tầng lớp xã hội.
Trải qua gần 7 thập kỷ hình thành và phát triển, công tác mặt trận tập trung tuyên truyền giáo dục, vận động tập hợp, thuyết phục là công việc trọng tâm. Ngoài uy tín cá nhân, năng lực nghiệp vụ, phương pháp tiếp cận đối tượng, đòi hỏi người làm công tác mặt trận tri thức tổng hợp và chuyên sâu. Họ phải “miệng nói, tay làm, tai lắng nghe”, đi đầu và nêu gương. Tiếng nói của người làm công tác mặt trận có “trọng lượng” hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc duy trì, phát huy uy tín chính trị của từng cá nhân, tổ chức thông qua hoạt động cụ thể, có sự kết hợp trẻ, già trình độ, khả năng cập nhật tri thức thực tiễn cuộc sống trong mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, nhất là diến biến thời cuộc.
Mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ, đã xuất hiện việc “tập hợp lực lượng” kêu gọi cộng đồng mạng với mục đích tiêu cực, chống đối lại đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, nhà nước. Song, mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều ý kiến, thông tin và hành động tích cực, tư tưởng trong sáng, tiến bộ góp phần xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, kiên định với mục tiêu: chân thiện, mỹ. Người làm công việc mặt trận nên triệt để khai thác kênh thông tin này để nắm bắt dư luận, tư tưởng, tâm trạng các giai tầng xã hội, xu thế vận động của tình hình. Trên cơ sở sàng lọc, phân tích thông tin thấu đáo, khoa học biện chứng tìm ra giải pháp đúng, kịp thời phục vụ nhiệm vụ chính trị của mình.
Công tác mặt trận là một nghề mang tính chính trị- xã hội cao. Nó đòi hỏi mỗi người, tổ chức của mặt trận phải xây dựng và bồi đắp thường xuyên tri thức lý luận và tri thức thực tiễn. Cũng như nhiều ngành nghề khác, công tác mặt trận luôn cần tâm thế dấn thân, hy sinh, gần dân, bám địa bàn, chẳng quản sớm hôm, điều kiện thời tiết. Nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, cụ thể lòng kiên trì, nhiều kỹ năng kiến thức phải tự học từ thực tế hoạt động mỗi ngày. Ứng xử khôn khéo, linh hoạt với nhiều tình huống không dự báo trước rất cần sự phối kết hợp nhịp nhàng với một hay nhiều lực lượng chính trị- xã hội khác để hoàn thành nhiệm vụ. Những người làm công tác mặt trận có già có trẻ nhưng xem ra người lớn tuổi cũng chiếm tỷ lệ không nhỏ. Làm thế nào vận động, thuyết phục, tập hợp được mọi tầng lớp xã hội, nhiều lực lượng để thực hiện nhiệm vụ chính trị phục vụ đất nước. Với công việc mang tính đặc thù, khó khăn không phải ai cũng hào hứng đón nhận, làm việc hết mình.
Chúng ta luôn trân trọng tôn vinh, biết ơn, đề cao, trân trọng ghi nhận lực lượng làm công tác mặt trận, nhất là những người có tuổi, từng có cương vị xã hội, người đã nghỉ hưu vẫn “cháy” hết mình với công việc, giám sát, dõi theo bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, đấu tranh với cái sai, cái xấu, cái ác, tiêu cực… Lực lượng làm công tác mặt trận đang dần được trẻ hóa nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới đòi hỏi sức khỏe, tính năng động, sáng tạo trong xã hội hiện đại, phong phú và phức tạp.
Ghi nhận và tôn vinh việc làm của những người làm công tác mặt trận chính là cách làm thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
VĂN HÙNG