Kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3): Đấu tranh cho bình đẳng và hạnh phúc

Đó là mục tiêu đấu tranh lâu bền để mọi phụ nữ đều được thụ hưởng quyền lợi chính đáng như cánh đàn ông. Lịch sử nhân loại đã minh chứng phụ nữ luôn chiếm vị trí đặc biệt quan trọng.

Không chỉ hoàn thành thiên chức mà tạo hóa trao cho: sinh nở, làm vợ, làm mẹ, chăm sóc, nuôi dạy con cái trưởng thành; lo toan vun vén kinh tế, hạnh phúc gia đình, phụ nữ còn là người hóa giải những khó khăn, mâu thuẫn trong cuộc sống đời thường; góp sức làm nên tổ ấm yêu thương với gam màu tươi sáng, những phút giây thăng hoa hạnh phúc của đời sống lứa đôi. Thử hỏi nếu không có phụ nữ, đâu có nhân loại! Không quá lời khi câu nói “ Phụ nữ là một nửa thế giới” đã trở thành chân lý mọi thời đại.

Từ lâu, phụ nữ đã tham gia hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế- xã hội. Ở một số lĩnh vực họ luôn tỏ ra vượt trội, ưu thế như: giáo dục, y tế, nữ công gia chánh, văn hóa nghệ thuật, văn chương, thi ca…Phẩm chất thiên bẩm của phụ nữ thường bộc lộ ở nhiều cung bậc khác nhau: cần mẫn, chỉn chu, khéo léo, mềm mại, dịu dàng, hiền thục, khiêm nhường, nhẫn nhịn chịu đựng, chịu thương, chịu khó.

Kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ (8/3): Đấu tranh cho bình đẳng và hạnh phúc - Ảnh 1

Một bộ phận phụ nữ lại mang “gien trội”, tính cách mạnh mẽ, quyết đoán, quyết liệt. Họ thường lựa chọn công việc ngỡ tưởng chỉ đàn ông mới làm tốt như tham gia các môn thể thao thiên về sức mạnh cơ bắp: vật, bơi lội, đấm bốc, cử tạ, bóng chuyền, bóng đá, võ thuật, lái xe, lái máy bay, thợ lò, bốc vác hàng hóa…; có người còn tham gia lực lượng vũ trang, đảm trách nghề đặc nhiệm, cảnh sát cơ động, bộ đội đặc công…Không ít phụ nữ thành công, thành danh trong chính trường chính trị, trở thành nhà lãnh đạo kỹ trị, quản lý xã hội, doanh nghiệp, nhà khoa học... Điều ấy chứng tỏ, so với đàn ông, phái yếu mà rất mạnh, mềm mại quyến rũ mà lợi hại vô cùng!

Bức tranh toàn cảnh thế giới trong những thập niên đầu thế kỷ 21 ngày càng hiện rõ mảng sáng tối, tích cực và tiêu cực liên quan đến phụ nữ. Vị thế, số phận của họ đang hiện hữu trong bức tranh chung ấy. Hứa hẹn tương lai tươi sáng rất nhiều, song, hàng triệu phụ nữ toàn cầu đang phải chịu bất bình đẳng, oan ức, khổ đau, thiệt thòi, nhất là ở các quốc gia kinh tế- xã hội kém phát triển, chậm phát triển, nghèo khó, ăn chưa no, mặc chưa lành; cái chết, cái đói rình rập, đe dọa cuộc sống của họ. Như một số nước Châu Phi, các quốc gia có xung đột quân sự: Ucraina- Nga; chiến tranh cục bộ ở Trung Đông (dải Gaza) giữa lực lượng Hamas- Israel; phụ nữ phải chịu thiệt thòi vì chế độ hà khắc, hủ tục, cực đoan. Họ phải lao động cực nhọc, cuộc sống luôn mất an toàn; sinh nở quá mức; họ còn là “hàng hóa” đổi trác, mặc cả, bán mua, bị trà đạp thân thể, nhân cách; không được tới trường, không được tham gia các hoạt động kinh tế- xã hội, không có quyền bình đẳng giới. Ở đó, ước mong có được bình quyền, tôn trọng, được sống hạnh phúc không hề giản đơn, xa vời.

Xem ra, cuộc đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ trên toàn thế giới còn khó khăn hơn thế kỷ 20.  Đòi hỏi ấy càng trở nên gay gắt, phức tạp hơn rất nhiều thế kỷ trước bởi thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu, giải quyết mâu thuẫn và lợi ích quốc gia, dân tộc bằng vũ lực thay cho giải pháp phi vũ trang, con đường hòa bình dường như không được ưu tiên chọn lựa. Trong bối cảnh ấy, phụ nữ là đối tượng chịu không ít thiệt thòi. Họ luôn phải chịu tác động không nhỏ từ thực tế cuộc sống ấy. Thông tin cập nhật từ truyền thông cho thấy, phụ nữ sẽ có cuộc sống an nhiên, hạnh phúc chỉ khi họ được sống trong đất nước hòa bình, không chiến tranh, văn minh, tiến bộ, dân chủ,  không bị chia rẽ bởi mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, phân biệt màu da…Các quốc gia có nền kinh tế phát triển, văn minh, bình đẳng giới, chất lượng sống của phụ nữ nhất định sẽ tốt hơn.

Hòa bình luôn là khát khao cháy bỏng của hầu hết con người trên hành tinh này. Để có được thế giới đại đồng, không có chiến tranh sao mà khó đến vậy? Thế giới ngày càng phân cực, phân rã. Những tổ chức chính trị uy tín, giữ vai trò cầm cân nảy mực, ngăn chặn chiến tranh, như Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nay dường như không giữ được vị thế vốn có, nếu không muốn dùng từ bất lực. Đấu tranh cho bình đẳng phụ nữ, cho hạnh phúc của họ suy cho cùng cũng là cho hạnh phúc nhân loại. 

Thế giới chứng kiến sự đổi thay mau lẹ của khoa học công nghệ với những khái niệm thời đại công nghệ 4.0, người máy, trí tuệ nhân tạo…phục vụ đời sống con người nhưng chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc cho con người bởi kèm theo đó là chạy đua vũ trang, không ngừng phát triển vũ khí thông minh, hiện đại, hủy diệt…gây ra các cuộc xung đột vũ trang, chiến tranh giữa các quốc gia gieo đau khổ, chết chóc, đe dọa cuộc sống của hàng triệu con người. Mâu thuẫn mang tầm thế kỷ ấy chưa có lời hóa giải.

Bức tranh thế giới thực tại cho chúng ta nhận thức đầy đủ hơn tính chất khốc liệt của cuộc đấu tranh cho phụ nữ bình quyền. Già hóa dân số, mất cân bằng giới tính, thiếu hụt nguồn nhân lực, không được chăm lo sức khỏe sinh sản đe dọa hạnh phúc gia đình, lứa đôi, hạnh phúc của các quốc gia, dân tộc, ở các mức độ khác nhau khiến chúng ta không khỏi lo lắng.

Để chị em không phải chịu thiệt thòi, được bình đẳng trong cuộc sống, công việc, thỏa sức cống hiến cho xã hội tốt hơn hẳn họ phải được sống trong môi trường trong sạch, hạnh phúc, hòa bình. Chào đón ngày Quốc tế phụ nữ, xã hội, nhất là cánh đàn ông không chỉ bày tỏ tình cảm với chị em như tôn vinh, ngợi ca, tặng hoa, tặng quà theo giá trị vật chất cho những người mẹ, người chị, người em, người phụ nữ nói chung mà hơn thế cần tiếp tục tìm mọi cách để khắc phục, hóa giải mặt hạn chế, tiêu cực của đời sống xã hội mà phụ nữ đang là nạn nhân.

Phấn đấu cho một thế giới mà ở đó phụ nữ đều có quyền sống, tự do mưu cầu hạnh phúc thật không dễ dàng. Nam giới phải là chỗ dựa tin cậy yêu thương, tôn trọng, chở che để mọi phụ nữ được thực sự hạnh phúc. Dẫu biết rằng cuộc đấu tranh ấy còn trường kỳ nhưng tất cả chúng ta, nhất là phái mạnh hãy luôn là lực lượng xung kích, đi đầu, hối thúc triển khai quyết liệt những hoạt động thiết thực để đạt mục tiêu ấy. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi mọi người có ý thức, tinh thần đoàn kết cùng hành động không ngừng nghỉ vì lẽ phải, công lý, nhân văn.

VĂN HÙNG