Tân Uyên được xem là thủ phủ của cây chè Lai Châu. Nơi đây có những cánh đồng chè với tuổi đời lên tới gần 60 năm. Hiện Tân Uyên đang sở hữu gần 3.400ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh đạt gần 3.100ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt hơn 8,5 tấn/ha, sản lượng chè búp tươi ước đạt gần 30 nghìn tấn/năm, tương ứng 5.800 tấn chè búp khô các loại; mang về nguồn thu hơn 200 tỷ đồng/năm và giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho khoảng 7.000 lao động địa phương. Cây chè không chỉ giúp người nông dân Tân Uyên xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế mà còn đóng góp rất lớn để huyện Tân Uyên vươn lên thành huyện nông thôn mới của Lai Châu.
Ngoài phát triển kinh tế, hiện các đồi chè còn có tiềm năng rất lớn để Tân Uyên phát triển du lịch. Đây hứa hẹn sẽ là một điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, ấn tượng trong lòng du khách và bè bạn gần xa trên hành trình khám phá Lai Châu.
Cây chè đã gắn bó với bao thế hệ người dân, đưa Tân Uyên thành vùng trọng điểm chè có diện tích lớn nhất của tỉnh Lai Châu. Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất chè trên địa bàn huyện đã có những sản phẩm chè OCOP 3 sao, 4 sao; có những sản phẩm chè đã trở thành thương hiệu và được phân phối rộng rãi trên thị trường, là niềm tự hào của người dân Tân Uyên.
Phát biểu khai mạc Lễ hội trà và Tuần Văn hóa - Du lịch huyện lần thứ nhất năm 2024, đồng chí Lò Văn Biên - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Tổ chức sự kiện khẳng định: Lễ hội lần này là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội để huyện Tân Uyên giới thiệu, quảng bá sản phẩm chè, sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa du lịch và nông sản đặc trưng, cùng những tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người và thiên nhiên được tạo hóa ban tặng.
Đến với lễ hội du khách sẽ được tham quan, thưởng lãm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của các dân tộc trên địa bàn huyện, thả hồn trong hương sắc cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, giao hòa với những nét văn hóa truyền thống, những tình cảm nồng hậu, thân thiện của đồng bào các dân tộc; khám phá những nét độc đáo của văn hóa ẩm thực, trải nghiệm những trò chơi dân gian, thi hái chè, sao chè, thưởng trà … cùng nhiều hoạt động hấp dẫn, đặc sắc khác.
Thông qua lễ hội, huyện Tân Uyên hy vọng rằng đây sẽ là một điểm đến “an toàn, thân thiện, bản sắc, hấp dẫn, ấn tượng” trong lòng du khách và bè bạn gần xa trên hành trình khám phá văn hóa, du lịch tỉnh Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung.
Tại lễ khai mạc, UBND huyện đã vinh danh và trao giấy khen cho các công ty, doanh nghiệp và hộ gia đình sản xuất chè tiêu biểu trên địa bàn huyện.
Sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Tân Uyên – Hương sắc miền trà” với nhiều màn hát múa đặc sắc mang đậm dấu ấn từng vùng đất, con người Tân Uyên.Trước khi bước vào lễ khai mạc, trong khuôn khổ sự kiện đã diễn ra giải bóng chuyền da mở rộng và các hoạt động như: trưng bày, giới thiệu sản phẩm chè, sản phẩm OCOP, sản phẩm văn hóa, du lịch và sản phẩm đặc trưng của các xã, thị trấn trong huyện, các huyện trong và ngoài tỉnh; trưng bày tranh, ảnh về hình ảnh đất, con người huyện Tân Uyên với chủ đề: “Hương sắc Tân Uyên – một điểm nhớ”. Theo kế hoạch, Lễ hội trà và Tuần Văn hóa – Du lịch huyện Tân Uyên sẽ kết thúc và bế mạc ngày 14/4.
PHI LONG