Lai Châu: Đẩy mạnh thương hiệu chè Tân Uyên khẳng định vị thế trên thị trường

Cây chè đã gắn bó với bao thế hệ người dân, đưa Tân Uyên thành vùng trọng điểm chè có diện tích lớn nhất của tỉnh Lai Châu. Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở sản xuất chè trên địa bàn huyện đã có những sản phẩm chè OCOP 3 sao, 4 sao; có những sản phẩm chè đã trở thành thương hiệu và được phân phối rộng rãi trên thị trường, là niềm tự hào của người dân Tân Uyên.

Tân Uyên có vùng chè xanh bát ngát, là cây kinh tế chủ lực và rất có tiềm năng phát triển du lịch.
Tân Uyên có vùng chè xanh bát ngát, là cây kinh tế chủ lực và rất có tiềm năng phát triển du lịch.

Tân Uyên được coi là thủ phủ chè của tỉnh với diện tích đến nay đạt gần 3.400ha, sản lượng 29.000 tấn. 2 giống chè chủ đạo được trồng trên đất này là kim tuyên và shan tuyết, có đặc tính chát, ngọt hậu, được thị trường ưa chuộng. Đây là cây trồng mang lại nguồn thu nhập ổn định, cây “cứu cánh” cho nông dân giảm nghèo bền vững.

Phát huy lợi thế đó, những năm qua, huyện không ngừng mở rộng diện tích; chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường đôn đốc, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, đầu tư thâm canh để đạt năng suất cao. Sản phẩm chè khô của Tân Uyên đang được tiêu thụ mạnh ở thị trường trong nước và xuất khẩu nhiều sang thị trường Trung Đông, Trung Quốc. Theo số liệu báo cáo, hằng năm giá trị xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,5 triệu USD. Điều này khẳng định giá trị cây chè của huyện đã từng bước có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Tháng 3/2024, trên địa bàn thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên), Nhà máy sản xuất, chế biến chè thuộc Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên được đưa vào vận hành. Đây là đơn vị sản xuất, chế biến chè lớn thứ 2 trên địa bàn huyện (sau Công ty Cổ phần Trà Than Uyên). Từ liên kết với cơ sở khác để chế biến thành phẩm chất lượng cao đã mở ra cơ hội mới cho sản phẩm chè Tân Uyên được nâng tầm giá trị.

Cho đến nay, nhà máy sản xuất, chế biến chè của Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên có dây chuyền đáp ứng khoảng 70 tấn chè búp tươi/ngày đêm trên cơ sở khai thác tối đa vùng nguyên liệu khoảng 100ha. Vốn đầu tư ban đầu khoảng 25 tỷ đồng. Tại nhà máy chỉ sản xuất sản phẩm thô gồm chè xanh, lăn, sau đó được vận chuyển về nhà máy chế biến sâu các sản phẩm chè tại xã Bản Giang. Nhiều đối tác tin cậy ở thị trường nước ngoài đã đặt hàng trước, do đó căn cứ kế hoạch sản xuất và nhu cầu bạn hàng, dự kiến năm 2024, công ty đạt tổng 150 công hàng, tương đương hơn 3.000 tấn (ở các vùng sản xuất trong tỉnh) xuất ra nước ngoài.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên thu mua chè búp tươi cắt đại trà với giá 6.000 - 7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, về lâu dài, công ty có định hướng liên kết với người dân từ khâu chăm sóc đến thu hái đảm bảo chè sạch và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, từ đó nâng giá thu mua khoảng 8.000 - 13.000 đồng/kg chè búp tươi. Tất cả sự liên kết đều dựa trên quan điểm “hai bên cùng có lợi”.

Công nhân Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên chuẩn bị chè nguyên liệu đưa vào chế biến.
Công nhân Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên chuẩn bị chè nguyên liệu đưa vào chế biến.

Với nhu cầu mở rộng thêm khoảng 300ha vùng chè nguyên liệu và bổ sung nguồn nhân lực với khoảng 10 lao động, thời gian tới, Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên tiếp tục liên kết phát triển vùng nguyên liệu và tuyển công nhân. Như vậy, việc hiện hữu của Công ty Cổ phần Trà Tân Uyên tiếp tục xây dựng, khẳng định thương hiệu chè Tân Uyên thêm vững vàng hơn, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách địa phương và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

PHI LONG