Lai Châu: Nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè gắn với phát triển du lịch

Chè Lai Châu có hương thơm nồng đượm, vị ngọt đậm và chát dịu, nước chè sánh trong vắt, không lẫn tạp chất; rất đặc trưng mà không có vùng chè nào sánh được. Các sản phẩm chè Lai Châu đã xuất khẩu đi các thị trườngcác nước như Trung Quốc, Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ… trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt 33,7% sản lượng xuất khẩu ủy thác khoảng 60%. Ngoài việc xuất khẩu, các công ty, doanh nghiệp sản xuất chè cũng đang hướng đến kênh nội tiêu, đưa vào các chuỗi siêu thị lớn trong nước.

Lai Châu là tỉnh có tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm về chè và sản phẩm OCOP tiêu biểu
Lai Châu là tỉnh có tiềm năng phát triển nhiều sản phẩm về chè và sản phẩm OCOP tiêu biểu.

Khẳng định thương hiệu chè Lai Châu

Nhận định chè là sản phẩm mũi nhọn của tỉnh, những năm vừa qua, UBND tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã đặc biệt quan tâm đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu chè tỉnh Lai Châu, cùng với thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến; hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chè; kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, mở rộng thị trường xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm chè…

Tính đến cuối năm 2022, Lai Châu có 8.900ha chè; trong đó, diện tích chè kinh doanh 6.931ha. Diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích. Đặc biệt, toàn tỉnh có 211ha chè đã được cấp giấy chứng nhận theo các quy trình kỹ thuật an toàn, chiếm 2,4% tổng số diện tích chè toàn tỉnh; trong đó có 60ha được chứng nhận VietGAP; 25,96ha chè được chứng nhận hữu cơ và 125,57ha chè được chứng nhận RA.

Bà con nông dân bản Ngọc Lại, xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên (Lai Châu) thu hái chè.
Bà con nông dân bản Ngọc Lại, xã Phúc Khoa, huyện Than Uyên (Lai Châu) thu hái chè.

Tuy nhiên, thời gian qua, ở một số vùng chè trên địa bàn tỉnh, công tác chăm sóc, thâm canh theo quy trình, kỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức; một số vùng thiếu liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người dân trong khâu quản lý, sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ chè; thu mua sản phẩm chè không thực hiện các hợp đồng liên kết... Qua đó gây ảnh hưởng lớn tới công tác quản lý, phát triển, nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè trên địa bàn tỉnh.

Trước thực trạng này, UBND tỉnh Lai Châu đã đưa ra nhiều định hướng để khắc phục. Theo đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu tăng cường học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của một số tỉnh có vùng nguyên liệu lớn để quản lý và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè, quản lý thâm canh theo hướng an toàn.

Doanh nghiệp trong tỉnh luôn đặt công tác ATVSTP lên hàng đầu, khi bắt tay sản xuất, kinh doanh đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu sạch.
Doanh nghiệp trong tỉnh luôn đặt công tác ATVSTP lên hàng đầu, khi bắt tay sản xuất, kinh doanh đặc biệt là xây dựng vùng nguyên liệu sạch.

Đối với UBND các huyện, thành phố, bằng mọi giải pháp hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra; tổ chức và phát động các phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân trồng chè thực hiện ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi với doanh nghiệp, hợp tác xã; nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng ứng dụng công nghệ, chế biến sâu, hướng tới xuất khẩu; …

Phát triển cây chè gắn với du lịch

Bên cạnh xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường xuất khẩu chè, tỉnh Lai Châu cũng đưa việc phát triển cây chè gắn với phát triển du lịch. Qua đó, sẽ quảng bá rộng rãi hơn mặt hàng chè, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời phát triển các tour du lịch, sản phẩm du lịch mang đặc trưng của riêng Lai Châu.

Tiêu biểu như đồi chè Tân Uyên (Tân Uyên) với diện tích gần 2.000 ha và có tuổi đời hơn 50 năm. Đồi chè là trung tâm xuất khẩu hàng hóa đi khắp nơi của tình Lai Châu.

Nơi đây đã và đang trở thành một điểm đến tham quan du lịch hấp dẫn. Du khách sẽ được nhìn ngắm những đồi chè bạt ngàn xanh mướt với hơn 2.000 ha cây chè có tuổi đời từ 40 - 50 năm; tận hưởng cảnh vật thiên nhiên yên bình, không khí trong lành; hít thở hương thơm mát của chè và cùng trải nghiệm tham gia hái chè với người dân địa phương.

Đồi chè Tân Uyên đẹp nhất mỗi khi bình minh thức giấc. Trong cái khí lạnh của buổi sớm mai còn vương vấn đâu đây, một chút ánh nắng sẽ làm du khách thấy ấm lòng. Thưởng thức ấm chè ngon và lắng nghe tiếng thời gian trôi, ngắm nhìn ánh mặt trời ló rạng. Mặt trời dần vươn ra khỏi đồi chè đưa ánh sáng chói lọi qua từng chiếc lá, cành cây…

Những đồi chè xanh mướt căng tràn nhựa sống, mở ra một khung cảnh vô cùng kỳ vĩ, một không gian xanh thẳm kéo dài tới tận chân trời. Màu xanh ngút ngàn của đồi chè ẩn mình dưới những dãy núi trong thời khắc giao mùa đã thu hút đông đảo du khách gần xa đến với nơi đây.

Đồi chè ở Tam Đường, Tân Uyên là điểm đến lý tưởng cho du khách thích trải nghiệm...
Đồi chè ở Tam Đường, Tân Uyên là điểm đến lý tưởng cho du khách thích trải nghiệm...

Cây chè đã trở thành nguồn kinh tế chính của người dân địa phương. Trong không gian hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn, những đồi chè bạt ngàn xanh mướt giữa lấp lánh nắng vàng đã tạo nên sự hấp dẫn rất riêng và làm say lòng mỗi du khách khi đến đây. Tại huyện Tam Đường, du khách sẽ bị choáng ngợp bởi màu xanh mướt, ngút ngàn và bất tận của những cây chè nhỏ bé, được trồng theo từng hàng, san sát nhau và bám theo triền đồi thoai thoải.

Để khai thác tốt thương hiệu chè phục vụ cho du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang cùng các địa phương kiểm soát chất lượng sản phẩm đảm bảo nhằm cung cấp cho thị trường; trong đó có thị trường du lịch.

Đặc biệt, tỉnh vận động các doanh nghiệp kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm tham quan chuỗi liên kết hoạt động trồng chè, nhà máy sản xuất, phòng trưng bày, thưởng thức và mua sản phẩm; mở rộng hệ thống bán, giới thiệu sản phẩm uy tín ở các khu du lịch.

Tỉnh Lai Châu xác định việc phát triển nông nghiệp gắn với du lịch là hướng đi đúng nhằm mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Từ đó quảng bá các sản phẩm từ nông nghiệp.

Tỉnh đã mạnh dạn đưa nhiều giống cây trồng mới cho năng suất, chất lượng, có khả năng chống chịu tốt; nhiều kỹ thuật canh tác tiên tiến được áp dụng (biện pháp IPM, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt...) và cơ giới hóa vào các khâu của quá trình sản xuất. Từng bước thay đổi tập quán canh tác cũ cho người dân và hình thành các vùng sản xuất tập trung theo huớng hàng hóa, hình thành vùng chè.

Hiện tại ngành du lịch tỉnh đang giới thiệu khách tham quan khám phá vẻ đẹp tự nhiên, nguyên sơ để kích thích thị trường du lịch; mời gọi đầu tư, tiến tới xây dựng các công trình du lịch nhằm nâng cao hiệu quả phục vụ, hướng tới mục đích lâu dài.

các sản phẩm về chè và sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Lai Châu
Các sản phẩm về chè và sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh Lai Châu.

Bên cạnh đó, chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh ngày càng khởi sắc, bộ mặt nông thôn được thay đổi theo hướng xanh, sạch, đẹp... là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch. Nhiều xã đã được quan tâm bố trí nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ phát triển loại hình du lịch cộng đồng như: Đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn, đường liên bản, điện, nước sinh hoạt; làm nhà vệ sinh…

Đồng thời, tỉnh đã triển khai thực hiện Chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (Lai Châu - Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Giang - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên) và khai thác hiệu quả tuyến du lịch Vòng cung Tây Bắc. Phối hợp với các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên hình thành tuyến du lịch đường thủy liên hồ trên sông Đà.

Văn Hiếu - Phi Long/ VP Tây Bắc