Ở huyện Tam Đường hiện nay, cây chè vẫn là giống cây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây. Hơn nữa, Tam Đường cũng là một trong những huyện có diện tích trồng chè lớn của tỉnh Lai Châu; Chỉ tính riêng xã Bản Giang của huyện Tam Đường diện tích trồng chè gần 300ha, chiếm gần 10% diện tích toàn huyện.
Thuận lợi từ điều kiện tự nhiên phát triển cây chè là vậy, nhưng trên địa bàn huyện Tam Đường chưa có cơ sở bao tiêu ổn định, người nông dân phải chở đi bán ở những điểm thu gom rất xa, khiến chi phí tăng lên, dẫn đến thu nhập không cao.
Đến nay, sau nhiều năm loay hoay tìm đầu ra ổn định hơn cho cây chè, đến nay chuỗi liên kết từ chăm sóc, thu hái đến bao tiêu tại chỗ của các cơ sở thu mua chè trên địa bàn xã Bản Hon, Bản Giang của huyện Tam Đường đã giúp người trồng chè có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và thoát nghèo.
Ông Đoàn Văn Nhưỡng - Chủ tịch UBND xã Bản Giang cho hay, nhận thấy tiềm năng từ vùng chè ở địa phương, một vài năm trở lại đây, nhiều cơ sở thu mua chè đã mạnh dạn bỏ vốn đầu tư vào mặt hàng này. Qua các cơ sở thu mua, nông dân trồng chè được hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, phân bón, bao tiêu đầu ra... từ đó hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, mọi chi phí đều giảm xuống nên bà con rất phấn khởi.
“Cây chè nhiều năm nay là nguồn thu nhập chính người nông dân. Việc xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ đã giải quyết những thách thức từ trước tới nay, góp phần khẳng định vị thế của cây chè trên địa bàn”, ông Nhưỡng cho biết thêm.
Nói về hướng đi mới trong sản xuất chât chè thành chuỗi liên kết, chị Hạng Thị Dua bày tỏ: “Từ ngày tôi được hướng dẫn cách bón phân và chăm sóc cây chè, nên mỗi lứa tôi hái được nhiều hơn, nhà máy ở gần lại mua với giá cao hơn trước, không phải mang chè đi bán ở xa nên tôi có thêm thời gian chăm sóc con cái và làm thêm gia tăng thu nhập, giờ cũng đỡ khó khăn hơn năm ngoái”.
Những năm qua, người nông dân trồng chè ở huyện Tam Đường (Lai Châu) phải loay hoay bán chè xanh với giá thấp, không có nhà thu mua ổn định, đầu ra bấp bênh... Đến nay chuỗi liên kết sản xuất chè là hướng đi mới giúp người nông dân trồng chè nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được bền vững.
Vũ Cừ - Phi Long/ VP Tây Bắc