Hiện nay, toàn tỉnh Lai Châu có gần 8.900 ha chè; trong đó, diện tích chè kinh doanh hơn 6.930 ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 73,1 tạ/ha, sản lượng chè búp tươi đạt 45 nghìn tấn/năm, tương ứng 11.000 tấn chè búp khô các loại. Theo đó, diện tích chè tham gia liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên 5.700 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích.
Lai Châu hiện có 92 cơ sở chế biến chè; trong đó, có 23 công ty doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết sản xuất với nông dân từ việc tham gia trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; có 69 cơ sở chế biến nhỏ lẻ tập trung nhiều ở thành phố Lai Châu và huyện Tân Uyên. Từ việc trồng chè, thu nhập của người dân Lai Châu được nâng lên, nhiều gia đình có thu nhập ổn định từ 60-120 triệu đồng/năm.
Tam Đường là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển cây chè. Những năm qua, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng; trong đó, chú trọng phát triển cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện nhằm xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.
Còn Bản Bo - một trong những xã có diện tích trồng chè lớn của huyện Tam Đường. Xác định cây chè là cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương, từ năm 2008 đến nay, xã vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô, lúa một vụ kém hiệu quả sang trồng chè; tập đầu tư thâm canh, mở rộng vùng chè chất lượng cao với diện tích trên 800ha. Từ trồng chè mỗi năm đem lại nguồn thu cho người dân trên địa bàn xã Bản Bo từ 50 - 60 tỷ đồng.
Có thể thấy, với sự quan tâm, đầu tư của tỉnh Lai Châu trong phát triển cây chè, đã giúp người dân trong tỉnh đem lại nguồn thu nhập cao, tạo động lực để bà con gắn bó, phát triển cây chè.
Văn Hiếu/ VPTB