Theo đó, các ngân hàng trong nhóm Big4 gồm Agribank, BIDV, Vietinbank và Vietcombank sẽ giảm lãi suất huy động thêm 0,2%/năm so với mức lãi suất niêm yết tại thời điểm 27/2 với các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng.
Cùng với việc giảm lãi suất huy động, nhiều ngân hàng cũng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay. Đây cũng là giải pháp để các ngân hàng để kích cầu tín dụng, bởi dịp đầu năm thường thì nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp chưa cao.
Ngân hàng VPBank đã quyết định dành 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh. Mức lãi suất sẽ thấp hơn từ 0,5 đến 1,5%/năm tùy từng danh nghiệp.
Nhiều ngân hàng khác cũng cạnh tranh bằng cách đưa ra hàng loạt các gói ưu đãi lãi suất để kích thích nhu cầu vay vốn. Bởi nếu huy động vào mà không cho vay ra được bản thân ngân hàng cũng không đảm bảo hiệu quả kinh doanh.
Tại Hội nghị đối thoại ngân hàng - DN của TP Hồ Chí Minh mới đây, nhiều DN cho biết đang phải vay vốn với lãi suất hơn 10%. Theo các DN, lãi suất trung hạn trên 10% hiện đang được áp dụng gây khó khăn, áp lực lớn lên các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Do đó, nhiều DN mong muốn các ngân hàng chia sẻ, đồng hành cùng DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay và kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới.
Tháng 2/2023, chỉ số sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực giảm hoặc tăng thấp, trong khi tăng trưởng tín dụng ở mức thấp cho thấy khó khăn trong hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/2 chỉ đạt 0,77% so với cuối năm trước, cho thấy khó khăn trong khả năng hấp thụ vốn của DN, nền kinh tế. Số DN đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động 2 tháng giảm 11,2% so với cùng kỳ, trong khi số DN rút lui khỏi thị trường tăng 14,5%.
Theo khảo sát của Vụ dự báo thống kê, Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng toàn hệ thống tổ chức tín dụng được kỳ vọng tăng bình quân chỉ 4% trong quý I/2023 và tăng 13,7% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 1,9 điểm phần trăm so với kỳ vọng tại đợt khảo sát trước đó, cho thấy các tổ chức tín dụng vẫn khá thận trọng khi nhìn về triển vọng kinh doanh năm nay.
Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng ra văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh thành phố và các ngân hàng thương mại cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cho vay.
Việc ổn định mặt bằng lãi suất hướng tới giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, với những áp lực từ thị trường thế giới việc giảm mặt bằng lãi suất trong nước cũng là nhiệm vụ không dễ dàng trong năm nay.