Tham gia làm việc về phía Royal Caribbean còn có bà Bùi Cẩm Hà – cố vấn của Tập đoàn tại Việt Nam và bà Nikole Wong, cố vấn khu vực Đông Nam Á.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan trong đó có Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến việc thúc đẩy phát triển loại hình du lịch tàu biển và đã có nhiều chính sách đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút khách tàu biển vào Việt Nam nói chung và đến với Thừa Thiên Huế nói riêng. Cụ thể, các bộ, ngành và địa phương đã và đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, triển khai quy trình nhập cảnh hiệu quả và nhanh chóng tại cảng biển, giảm cảng phí cho các tàu du lịch, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho tàu biển, xây dựng các sản phẩm mới cho khách du lịch tàu biển lên bờ tham quan du lịch.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Tập đoàn Royal Caribbean đưa Cảng Chân Mây vào danh sách các điểm đến định tuyến của hãng trong năm 2024 và những năm tiếp theo; đồng thời hỗ trợ, tư vấn cho tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc kết nối hoạt động du lịch tàu biển với việc phát triển sản phẩm phục vụ khách du lịch tàu biển gắn với thế mạnh đặc trưng của Thừa Thiên Huế về di sản văn hóa, ẩm thực và cảnh quan. Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị Royal Caribbean phối hợp, hỗ trợ tỉnh trong việc quảng bá Thừa Thiên Huế đến với các thị trường khách du lịch tàu biển trên thế giới.
Cũng tại buổi làm việc, bà Wendy Yamazaki, Phó Chủ tịch phụ trách Quan hệ Chính phủ, Khu vực châu Á của Tập đoàn tàu biển Royal Caribbean cho rằng, tiềm năng phát triển loại hình du lịch tàu biển ở khu vực châu Á rất lớn. Trong số xấp xỉ 1.000 chuyến cập cảng trên toàn thế giới do Tập đoàn triển khai trong năm 2023, có khoảng 360 chuyến cập cảng được thực hiện tại khu vực châu Á. Tại Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Singapore, Việt Nam là một trong ba nơi yêu thích của du khách tàu biển quốc tế. Bên cạnh đó, với hải trình dọc bờ biển Thái Bình Dương, Việt Nam nói chung và miền Trung nói riêng được ghi nhận là điểm dừng chiến lược và được ưa chuộng trong các tuyến du lịch tàu biển của Royal Caribbean.
Bà Wendy Yamazaki đánh giá cao những nỗ lực trong thời gian qua của Thừa Thiên Huế trong việc thúc đẩy phát triển du lịch tàu biển, bao gồm việc đầu tư thêm cầu cảng mới và đê chắn sóng, ưu tiên cầu cảng chính khi các tàu du lịch cập bến, hoàn thiện môi trường du lịch, tăng cường nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ tại các điểm di sản để đưa Huế trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình. Trong thời gian sắp tới, Tập đoàn Royal Caribbean mong muốn tăng cường hợp tác với tỉnh Thừa Thiên Huế để đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch tàu biển hấp dẫn, có bản sắc văn hóa, nhất là các không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống và cung đình, quảng diễn nghề truyền thống kết hợp trải nghiệm ẩm thực và mua sắm, phù hợp với thị hiếu của các phân khúc khách quốc tế, đặc biệt là nhóm khách gia đình và phân khúc khách chi tiêu cao, nhằm thu hút khách lên bờ và chi tiêu nhiều hơn khi đến Thừa Thiên Huế.
Khi được biết, tỉnh Thừa Thiên Huế có những cơ sở đào tạo du lịch uy tín, bà Wendy Yamazaki cũng thông báo nhu cầu tuyển dụng nhân sự phục vụ trên các đội tàu của Royal Caribbean; đồng thời, đề nghị phía tỉnh Thừa Thiên Huế và ngành hải quan xem xét đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện trong việc thu mua, chất hàng khi các tàu của Tập đoàn cập cảng Chân Mây; bố trí khu vực bán hàng lưu niệm phục vụ thủy thủ đoàn tại cảng, quầy thông tin du lịch, có thêm dịch vụ xe điện trung chuyển khách từ chân cầu tàu đến khu vực bãi đỗ xe và hoàn thiện hơn công tác vệ sinh môi trường khu vực cảng khi đón tàu du lịch. Tập đoàn Royal Caribbean sẽ tiếp tục lựa chọn Thừa Thiên Huế là điểm đến định tuyến cũng như đồng hành cùng tỉnh phát triển du lịch tàu biển.
Tàu Celebrity Solstice cập cảng Chân Mây ngày 24/2 vừa qua đưa gần 2.800 khách cùng gần 1.000 thành viên thủy thủ đoàn đến Thừa Thiên Huế, trong đó có khoảng 1.500 khách lên bờ tham gia các chương trình tour khám phá Di sản Cố đô Huế (chiếm khoảng gần 50% số khách), phố cổ Hội An, Di tích Mỹ Sơn, thành phố Đà Nẵng và khu du lịch Bà nà Hill.
Theo lãnh đạo Sở Du lịch cho biết, du lịch tàu biển ở Thừa Thiên Huế đã được hình thành và phát triển mạnh từ sau năm 2015 khi bến số 1 cảng Chân Mây được nâng cấp và đi vào phục vụ tàu du lịch với sự hỗ trợ của Tập đoàn Royal Caribbean. Ngày 09/4/2018, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 23/2018/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy định về quản lý hoạt động kinh doanh du lịch bằng tàu biển quốc tế tại các cảng biển tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong giai đoạn 2018-2019, số lượng tàu du lịch tàu biển đến Thừa Thiên Huế tăng đều qua các năm, chiếm từ 45-57% trong tổng số lượt khách tàu biển đến Việt Nam. Từ năm 2018 đến tháng 12/2023, Cảng Chân Mây và các đơn vị liên quan đã giải quyết thủ tục cho 128 lượt tàu du lịch mang theo 234.957 khách du lịch và 102.744 thuyền viên đến và rời cảng từ nhiều quốc gia trên thế giới. Riêng trong năm 2023 đã có 24 tàu du lịch với 51.307 khách và thuyền viên cập cảng Cảng Chân Mây. Trong năm 2024, đã có 40 tàu đăng ký cập cảng với 73.097 khách cùng 31.228 thủy thủ đoàn.
Là doanh nghiệp du lịch tàu biển lớn nhất thế giới về giá trị vốn hóa, có trụ sở tại Miami, Florida, Hoa Kỳ, Tập đoàn Royal Caribbean bao gồm các thương hiệu Royal Caribbean International, Celebrity Cruises và Silversea Cruises. Mỗi thương hiệu có phong cách và sản phẩm độc đáo riêng, phục vụ các đối tượng khách hàng đa dạng. Trong nhiều năm qua, Tập đoàn Royal Caribbean đã đưa nhiều hành khách cao cấp trên thế giới tới thăm Việt Nam với các điểm dừng thường xuyên tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Nha Trang và vịnh Hạ Long.
Trong năm 2024, dự kiến các thương hiệu tàu thuộc RCG sẽ triển khai khoảng 70 chuyến ghé thăm Việt Nam, mỗi chuyến chở từ 2.800 đến 5.000 khách du lịch nước ngoài./.
Bùi Quốc Dũng