Lào Cai: Huyện Si Ma Cai cây kiệu được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới

Cây củ kiệu có đặc tính chịu hạn, ít bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế khá cao, cuối năm 2022, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) đã mạnh dạn đưa cây kiệu vào trồng thử nghiệm, với 5ha bước đầu cho kết quả rất khả quan. Cây kiệu đã rất phù hợp với khí hậu ở đây, cây phát triển rất tốt.

Si Ma Cai phát triển cây kiệu, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Huyện Si Ma Cai phát triển cây kiệu, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Người dân Si Ma Cai, khá quen thuộc với loại cây củ kiệu, song trước đây họ trồng rất ít vì không bán được, chủ yếu là phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Cuối năm 2022, huyện Si Ma Cai đã phối hợp với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hùng Sơn, Hải Dương liên kết xây dựng mô hình trồng cây củ kiệu để làm nguyên liệu xuất khẩu. Bằng nguồn vốn sự nghiệp thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai mô hình trồng thí điểm cây kiệu tại 3 xã Bản Mế, Quan Hồ Thẩn và thị trấn Si Ma Cai. Đến thời điểm này, 5 ha cây Kiệu được trồng thí điểm trên địa bàn huyện đã cho thu hoạch. Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hùng Sơn, Hải Dương đã bao tiêu sản phẩm với giá là 7 nghìn đồng/kg củ tươi.

Mô hình trồng cây kiệu theo chuỗi giá trị được triển khai tại các xã Bản Mế, Quan Hồ Thẩn, và thị trấn Si Ma Cai với 5ha.Trong đó có 1 hợp tác xã, 1 tập thể và 5 hộ dân đăng ký thực hiện. Các hộ dân thực hiện sẽ được cung ứng 100% giống, hỗ trợ trả chậm 13 triệu 500 nghìn đồng trên 1ha để mua phân bón. Hỗ trợ 1.350 nghìn đồng để mua thuốc bảo vệ thực vật. Tổng kinh phí thực hiện mô hình trồng kiệu trên 74 triệu đồng, trong đó người dân đối ứng bằng nhân công tương đương 30 triệu đồng.

Sau 6 tháng trồng cây sẽ cho thu hoạch. Hiện nay người dân đang tiến hành thu hoạch cây kiệu, qua thực tế cho thấy cây kiệu phù hợp với khí hậu của địa phương nên củ kiệu to, tròn, ước tính bình quân 1 ha trồng kiệu sẽ cho thu hoạch từ 18 - 20 tấn củ, cho thu nhập trung bình khoảng 140 triệu đồng/1ha.

Bên cạnh đó, bà con tham gia mô hình trồng kiệu còn được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc. Với đặc tính chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với một số cây trồng khác như ngô, lúa, cây kiệu được kỳ vọng sẽ mở ra hướng phát triển kinh tế mới ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên để để phát triển bền vững, người dân rất mong cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm hỗ trợ kinh phí, tìm đầu ra bền vững để người dân yên tâm sản xuất, mở rộng diện tích, phát triển kinh tế, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo thành vùng sản xuất hàng hóa./.

Văn Hiếu /VPTB