Được biết, theo số liệu thống kê tại huyện Văn Bàn, hiện có hơn 9.300 máy móc cơ giới hóa các loại phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản. Quá trình sản xuất được cơ giới hóa giữa các lĩnh vực không đồng đều, lĩnh vực trồng trọt có tỷ lệ cơ giới hóa cao hơn và giảm dần ở các lĩnh vực chăn nuôi, lâm nghiệp và thủy sản. Trong từng ngành cũng không đều giữa các lĩnh vực, tỷ lệ cơ giới hóa cao nhất là trên diện tích cấy lúa nước, như: Khâu làm đất và thu hoạch chiếm 95%, phun thuốc bảo vệ thực vật chiếm 100% diện tích gieo cấy…
Cơ giới hóa trong sản xuất lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ thấp. Cụ thể, lĩnh vực lâm nghiệp, khâu làm đất chỉ chiếm 1%, khâu chăm sóc chiếm khoảng 2%, riêng khâu thu hoạch chiếm khoảng 85% diện tích; lĩnh vực sản xuất thủy sản, khâu thức ăn được thực hiện cơ giới hóa chiếm khoảng 15%, còn lại các khâu khác đều thực hiện thủ công.
Với thực trạng cơ giới hóa còn yếu kém, huyện Văn Bàn đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2025, sẽ đầu tư nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa. Đáng chú ý, khâu làm đất, chăm sóc cơ giới hóa chiếm khoảng 80% diện tích đất; khâu thu hoạch, máy móc được sử dụng chiếm khoảng 95% trong tuốt lúa, tẽ ngô.
Trong chăn nuôi, 100% trang trại lớn sử dụng cơ giới hóa trong chế biến thức ăn, vệ sinh chuồng trại, khu giết mổ tập trung áp dụng 100% cơ giới hóa trong các khâu chế biến…Tương tự, trong lĩnh vực thủy sản, lâm nghiệp cũng được đầu tư nâng cao tỷ lệ cơ giới hóa trong từng khâu theo các mức tương ứng, phù hợp tình hình thực tế địa phương.
Văn Hiếu /Văn phòng Tây Bắc