Đến nay, huyện Mường Khương là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh Lào Cai về phát triển nông nghiệp hàng hóa. Trong số 5 cây trồng chủ lực của tỉnh thì Mường Khương có tới 4 cây, với tổng diện tích hơn 8.157 ha, trong đó, diện tích chè chiếm 50% diện tích các cây trồng chủ lực của huyện, sản lượng đạt hơn 15.000 tấn, cung cấp nguyên liệu ổn định cho 7 nhà máy chế biến trên địa bàn huyện. Sản phẩm chè sản xuất tại huyện Mường Khương cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Trung Đông, Đài Loan, nguồn thu hơn 100 tỷ đồng/năm.
Năm 2022, huyện Mường Khương được UBND tỉnh giao trồng mới 860 ha chè. Đến nay, người dân đã đăng ký trồng 897,16 ha, toàn bộ diện tích này sẽ tập trung trồng trong 3 tháng (từ tháng 8 đến hết tháng 10/2022).
Việc trồng và phát triển diện tích chè của địa phương cũng tương đối thuận lợi do khâu tiêu thụ từ các nhà máy đứng chân trên địa bàn, tạo điều kiện cho các hộ dân có đầu ra ổn định. Tất cả các doanh nghiệp sản xuất chè đều đang xuất khẩu thuận lợi. Thị trường xuất khẩu chè của huyện Mường Khương chủ yếu là Pakistan, Đài Loan và Nga, với giá bán bình quân khoảnh 2,1 - 2,2 đô la Mỹ/kg.
Để có khâu tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi thuận lợi cho người dân. Các nhà máy, các doanh nghiệp đã có những liên kết tiêu thụ sản phẩm. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 06 tổ chức, cá nhân liên kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cho nhân dân chế biến ra các phân khúc sản phẩm khác nhau phục vụ thị trường nội tiêu, xuất khẩu.
Điển hình là Công ty cổ phần chè Thanh Bình, Hợp tác xã chè Mường Khương, Cơ sở Tạ Đức Phương đều có công suất thiết kế 80 tấn chè búp tươi/ngày, nhu cầu nguyên liệu khoảng 10.000 tấn chè búp tươi (chè shan)/năm; sản phẩm sau chế biến là chè xanh xuất khẩu đi thị trường Trung đông, Trung Quốc. Công ty TNHHMTV Mường Hoa: Công suất 6 tấn chè búp tươi/ngày, nhu cầu 900 tấn chè búp tười (chè Kim tuyên)/năm. Sản phẩm sau chế biến là chè ô long xuất khẩu đi Đài Loan.
Công ty cổ phần chè Cao Sơn: Công suất thiết kế 10 tấn chè búp tươi/ngày, nhu cầu 1.500 tấn chè búp tươi (chè shan, kim tuyên)/năm. Sản phẩm sau chế biến là các loại chè xanh phục vụ thị trường nội tiêu. Công ty cổ phần trà Tiên Thiên: Chuyên sản xuất các sản phẩm trà cao cấp như: bạch trà, hồng trà ... xuất khẩu đi châu âu và phân khúc cao cấp của thị trường nội tiêu. Công ty cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi cổ thụ. Ngoài ra tại các xã vùng thấp, công ty cổ phần chè Phong Hải cũng bao tiêu khoảng 5.000 tấn chè búp tươi/năm.
Như vậy, tổng nhu cầu nguyên liêu của 6 nhà máy và công ty chè Phong Hải khoảng 38 nghìn tấn/năm. Hiện tại vùng nguyên liệu chè của huyện cung cấp khoảng 22 nghìn tấn (đáp ứng khoảng 60% nhu cầu nghuyên liệu của các nhà máy).
Với những thuận lợi và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi của bà con, đã tạo niềm tin, phấn khởi đối với nhân dân các dân tộc địa phương, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho người dân, mà qua đó giúp cho các địa phương xác định các cây trồng chủ lực, nâng cao giá trị kinh tế, xóa đói giảm nghèo địa phương.
Trong số 5 cây chủ lực thì cây chè có tiềm năng phát triển rất lớn, nhất là đối với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ lao động của người dân huyện Mường Khương. Với định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương, cây chè đã và đang trở thành cây trồng chủ lực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững của huyện Mường Khương. Cây chè đã và đang mang đến cho người dân vùng cao nơi đây thêm những mùa xuân mới ấm no, hạnh phúc.
Hoài Anh