Chè hữu cơ của Hợp tác xã chè Bản Liền, huyện Bắc Hà (Lào Cai) có thể coi là mô hình đầu tiên đánh dấu mốc cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh, với hơn 400 ha được công nhận của 310 hộ nông dân tham gia liên kết, sản xuất. Sản phẩm chè Bản Liền đã có tên trên “bản đồ” chè quốc tế, được cấp 3 chứng nhận thẩm định chất lượng từ Hoa Kỳ và EU. Trung bình mỗi năm, người dân Bản Liền xuất bán cho doanh nghiệp và thị trường nội tiêu trong nước gần 1.000 tấn chè búp tươi, mang về nguồn thu hàng chục tỷ đồng. Trung bình mỗi ha chè của hợp tác xã có thể đem lại nguồn thu từ 80 đến 100 triệu đồng/năm.
Tương tự, sản xuất chè hữu cơ tại xã Tả Thàng, huyện Mường Khương cũng đang phát huy hiệu quả kinh tế cao. Mường Khương hiện có 30 ha được chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ năm 2020, sản lượng 80 tấn/năm. Các cơ sở chế biến đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chè hữu cơ với 80 hộ dân trong vùng. Với việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất và đầu tư công nghệ chế biến đạt tiêu chuẩn hữu cơ, hàng năm, doanh nghiệp đã thu mua nguyên liệu chè của các hộ dân tham gia liên kết với giá trung bình là 35.000 đồng/kg cao hơn 10.000 đồng/kg so với giá thu mua nguyên liệu chè khi sản xuất đại trà.
Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai yêu cầu, Chính quyền địa phương có vùng chè tập trung cần chỉ đạo tốt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất và chất lượng của vùng chè kinh doanh. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chế biến chè cần đầu tư dây chuyền, công nghệ chế biến chè theo hướng tinh chế, hiện đại hóa.
Văn Hiếu/ VP Tây Bắc