Lễ hội Hoa Lư Ninh Bình - Tinh hoa văn hóa người cố đô

Cứ mỗi dịp tháng 3 âm lịch hằng năm, người dân cả nước thường tìm về Ninh Bình, không chỉ thưởng thức phong cảnh non nước hữu tình nơi đây mà còn tham gia trẩy hội Hoa Lư - lễ hội truyền thống ở tỉnh Ninh Bình, được tổ chức ở xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) nhằm tưởng nhớ, tri ân công đức của hai vị anh hùng dân tộc Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn.

Xuyên suốt dòng thời gian lịch sử, lễ hội Hoa Lư vẫn giữ được hồn cốt về giá trị lịch sử và văn hóa “truyền thống uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta. Khác với năm ngoái, lễ hội năm nay sẽ được tổ chức đúng với quy mô cấp tỉnh, với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể gồm đầy đủ cả lễ khai mạc, phần lễ và phần hội trên cơ sở đảm bảo phù hợp với công tác chống dịch Covid-19 hiện nay. Tại khu du tích cố đô Hoa Lư công tác chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương, sẵn sàng đón du khách từ thập phương về hành hương, tham quan.

Lễ hội Hoa lư còn có tên gọi khác là hội Trường Yên hay hội Cờ Lau là lễ hội truyền thống có từ lâu. Lễ hội được tổ chức thường niên từ mùng 6 đến mùng 8 tháng 3 âm lịch ngay tại cố đô Hoa Lư ở Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Lễ hội hiện nay đang là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Nguồn gốc lễ hội Hoa Lư

Theo sử sách, từ khi Kinh đô Hoa Lư trở thành cố đô thì lễ hội ở Hoa Lư đều được các vương triều phong kiến coi trọng, xem như Quốc lễ. Đến ngày diễn ra lễ hội Trường Yên, triều đình Thăng Long hay triều đình Huế đều cử các quan đại thần về cố đô tham dự và làm chủ tế.

Theo sách Khâm định Đại Nam, hàng năm triều đình nhà Nguyễn sẽ tổ chức đại lễ, tế miếu vương các đời, trong đó có 4 vị được xem là đặc biệt quan trọng: Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Hùng Vương và Đinh Tiên Hoàng. Thậm chí vua Minh Mệnh còn cho xây dựng miếu đức vua Đinh Tiên Hoàng ở xã Dương Xuân, kinh đô Huế. Triều đình đã quy định việc tế miếu Đinh Tiên Hoàng sẽ được tổ chức vào hai kỳ Xuân - Thu để tỏ tấm lòng thành kính với vị vua có công lớn với đất nước.

Lễ hội Hoa Lư là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc. Để có được lễ hội Hoa Lư như hiện nay là cả một quá trình kết hợp giữa những yếu tố lịch sử và truyền thuyết dân gian.

Lễ hội Hoa Lư là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc
Lễ hội Hoa Lư là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc

Lễ hội Hoa Lư - Tinh hoa văn hóa mảnh đất cố đô

Phần lễ

Lễ mở cửa đền của lễ hội Hoa Lư: Đây là nghi thức quan trọng, dấu mốc khởi đầu cho chuỗi các hoạt động của lễ hội. Nghi thức được diễn ra ở hai đền vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành trước khi lễ hội diễn ra một ngày. Du khách có thể tự nhiên ra vào mà không cần xuất trình vé như ngày bình thường.

Lễ mở cửa đền khởi đầu cho chuỗi các hoạt động của lễ hội
Lễ mở cửa đền khởi đầu cho chuỗi các hoạt động của lễ hội

Lễ rước nước: Độc đáo nhất là lễ rước nước gắn với truyền thuyết rồng vàng nổi trên sông Hoàng Long đưa Đinh Bộ Lĩnh qua sông  Lễ rước nước được bắt đầu từ sáng sớm ngày 8/3 âm lịch với các khâu chuẩn bị rất kĩ lưỡng.

Từ nhiều ngày trước ngày khai hội, người ta trồng ở sông Hoàng Long một cây tre lớn lá xanh tốt với nội dung Thần dân, con cháu trăm họ luôn nhớ ơn rồng vàng ở sông này đã cứu giúp vị hoàng đế nước Đại Việt; Cầu mong thần Sông giữ cho dòng nước mát hiền hòa, phù trợ cho dân đại Việt tránh mọi điều ác dữ... Đoàn rước nước được khởi hành từ đền vua Đinh.

Dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc các loại đi hàng đôi. Tiếp đến là phường nhạc bát âm và các phường trống, sau đó là kiệu bát cống lớn. Trang phục của những người khênh mô phỏng lại trang phục của các lính túc vệ nhà Đinh xưa. Ngay sau rước kiệu còn có sự tham gia của các quan khách, đại biểu, cơ quan, đoàn thể. Rồi tiếp đến là các kiệu bát cống có tán, lọng song hành trên vai các trinh nữ. Đoan rước đến bên bờ sông Hoàng Long sẽ tiến hành nghi thức xin rước nước để đưa về đền vua Đinh làm lễ dâng hương.

Khi đoàn rước về tới bến, một phần nước được đưa vào nội cung để làm lễ mộc dục, phần còn lại dâng lên ban thờ vua và để đến lễ hội năm sau. Đoàn rước diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính thể hiện mối liên hệ mật thiết giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của cả cộng đồng, giữ gìn và tiếp nối đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”của cha ông ta.

Lễ rước nước được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và trang nghiêm
Lễ rước nước được chuẩn bị khá kỹ lưỡng và trang nghiêm

Lễ mộc dục: Lễ mộc dục hay còn gọi là lễ tắm thần vị, bao sái tượng vua Đinh, vua Lê. Dân làng Trường Yên sẽ dâng lễ cáo trước khi thực hiện nghi lễ để yêt kiến thần linh, xin phép được thực hiện. Khăn dùng để bao sái tượng thường có màu đỏ, sau khi sái bằng nước sông Hoàng Long sẽ bao sái bằng nước thơm.

Lễ rước lửa: Đây là một nghi thức thực hiện ở hai đền thờ vua Đinh, hành trình khởi đầu từ khi ông sinh ra và kết thúc tại nơi ông lên ngôi hoàng đế. Ngọn lửa được rước thận trọng từ đền thờ Đinh Bộ Lĩnh ở xã Gia Phương, huyện Gia Viễn. Đoàn rước lửa tiến hành dâng hương, cúng tế trời đất rồi diễu hành trên đường vua Đinh tiến về đền vua Đinh Tiên Hoàng để thắp sáng, truyền lửa thiêng cho lễ hội.

Lễ tế chính: Lễ tế được thực hiện sau khi đoàn rước nước trở về trung tâm lễ hội, sau nghi thức thả rồng bay. Các đoàn rước kiệu sau khi đăng kí theo lịch từ các di tích thờ các danh nhân thời Đinh - Lê sẽ tham gia rước kiệu về hai đền. Lễ tế được tiến hành cả ban đêm và ban ngày ở cả đền vua Đinh và vua lê với nội dung ca ngợi công đức của hai vị vua. Sau khi chủ tế xướng xong một đoạn có hai người phường nhà trò một nam - đàn; một nữ - hát diễn giả lại nội dung văn tế bằng điệu ca trù, xen kẽ đó sẽ là du khách vào thắp hương tưởng niệm.

Lễ tế cổ truyền tại đền vua Đinh Tiên Hoàng
Lễ tế cổ truyền tại đền vua Đinh Tiên Hoàng

Các phần lễ khác: Lễ tiến phẩm, lễ rước kiệu, lễ hội hoa đăng đều diễn ra với không khí trang nghiêm, thành kính, bày tỏ lòng biết ơn của người dân với công đức lớn lao của hai vị vua vĩ đại nước Đại Việt.

Phần hội

Khai mạc lễ hội: Khai mạc lễ hội được thể hiện trên sân khấu đương đại và truyền hình trực tiếp. Sau lời giới thiệu đại biểu, diễn văn khai mạc, phát biểu của các vị lãnh đạo Trung ương và địa phương là màn trống hội Hoa Lư, các màn tái hiện lịch sử trọng đại diễn ra tại kinh đô Hoa Lư xưa như: Sự kiện lên ngôi hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh và Lê Hoàn; đánh thắng giặc Tống; dời đô về Thăng Long do Nhà hát Chèo Ninh Bình thực hiện và kết thúc là màn thả rồng bay lên cho tới hết buổi sáng khai mạc. Khai mạc lễ hội diễn ra trong không khí sôi động, náo nhiệt, tràn đầy hào khí và niềm tự hào của người dân cố đô cùng tấm lòng ước mong, hướng về cội nguồn của du khách thập phương.

Cờ lau tập trận: Đây là trò diễn dân gian nhằm mô phỏng lại những buổi tập dượt, rèn luyện của người anh hùng thiếu niên Đinh Bộ Lĩnh. Nhờ có những buổi tập dượt nô đùa cùng đám trẻ trong xóm mà nước Đại Việt ta phát hiện được một vị vua tài giỏi. Tham gia màn diễn trò cờ lau gồm 60 em thiếu niên tuổi từ 13 - 15 tuổi. Em khôi ngô nhất được làm Đinh Bộ Lĩnh, đội mũ bình thiên bằng rơm, tay cầm bông lau có tán vàng. Quân Thung Lau, Thung Lá có chiêng, trống cái, thanh la, đứng hai bên múa hát đối đáp.

Xếp chữ Thái Bình: Để tưởng nhớ niên hiệu mà vua Đinh Tiên Hoàng khi lên ngôi, lễ hội có màn xếp chữ Thái Bình. Tham gia màn này có 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân màu xanh, tay cầm cờ, theo nhịp trống giục 3 tiếng một mà chạy kéo chữ. Màn xếp chữ được tập dượt rất kĩ lưỡng và tiêu chí chọn các thiếu nữ phải có chiều cao ngang như nhau từ trước nhiều ngày diễn ra lễ hội sao cho khi biểu diễn được ăn khớp nhất.

Bên cạnh màn diễn cờ lau và xếp chữ Thái Bình xuyên suốt phần hội còn có các hội thi như thi bơi chả, đấu vật, thi đấu cờ tướng, chọi gà, nấu ăn, góp phần làm tăng không khi vui nhộn, hấp dẫn sôi động cho hội. Các cuộc thi sắc đẹp, hội thi hát chèo cũng thu hút đông đảo được quần chúng tham gia.

Hội thi mâm ngũ quả tiến vua
Hội thi mâm ngũ quả tiến vua

Giá trị của lễ hội Hoa Lư

Giá trị lịch sử: Lễ hội Hoa Lư tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp của vua Đinh tiên Hoàng, chí lớn được hình thành từ những buổi tập dượt cờ lau cho đến khi dựng cờ khởi nghĩa bình thập nhị sứ quân, dẹp loạn 12 sứ quân, đặt nền móng xây dựng nước Đại Cồ Việt. Tất cả mọi nghi lễ của lễ hội đều thấm nhuần tư tưởng đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta.

Giá trị văn hóa: Đây là lễ hội cộng đồng, một nghi lễ hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa thông qua sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa tâm linh, thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng và là niềm tự hào của người Tràng An.

Giá trị du lịch: Lễ hội Hoa Lư là dịp để quảng bá du lịch Ninh Bình. Tận dụng những cơ hội để quảng bá, trong lễ hội thường kèm theo các hội thảo, triển lãm về du lịch tại ngay quảng trường cố đô Hoa Lư để đưa du lịch Ninh Bình đến gần hơn với đông đảo du khách.

Công tác chuẩn bị cho lễ hội Hoa Lư năm 2022

Đội tế nữ quan của thôn Đông Thành, xã Trường Yên tập luyện chuẩn bị cho lễ hội Hoa Lư năm 2022
Đội tế nữ quan của thôn Đông Thành, xã Trường Yên tập luyện chuẩn bị cho lễ hội Hoa Lư năm 2022

Tại xã Trường Yên, nơi diễn ra lễ hội, công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang trí khánh tiết, tuyên truyền trực quan, tập luyện các phần tế lễ đang được địa phương quan tâm, đẩy mạnh. Công tác tuyên truyền cũng được chuẩn bị hết sức chu đáo. Các băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về lễ hội, cờ tổ quốc, được treo ở nhiều tuyến đường chính và các khu vực diễn ra lễ hội.

UBND xã, các tổ chức, đoàn thể, các đội lễ tế và người dân trên địa bàn đang khẩn trương tích cực chuẩn bị các điều kiện để phục vụ cho lễ hội, từ tập luyện các bài lễ tế, đến chuẩn bị các cơ sở vật chất, vật phẩm phục vụ cho lễ hội và đồng thời lên kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao trong mùa dịch, hướng tới một mùa lễ hội văn minh và an toàn.

Nam Phong - Phạm Phương