Lễ hội văn hóa Trà Việt Nam lần thứ nhất 2022 do UBND TP Hội An (tỉnh Quảng Nam) chủ trì, phối hợp thực hiện, diễn ra trên trục đường Trần Phú, TP Hội An, trong 3 ngày từ 30/12/2022 đến 1/1/2023.
Đây là sự kiện nhằm góp phần tôn vinh giá trị lịch sử và nét văn hóa đặc sắc về trà và sản phẩm liên quan đến trà Việt; là nơi giao lưu học hỏi, trao đổi giữa các làng nghề trà, nghệ nhân trà, đơn vị cung cấp sản phẩm về trà và các sản phẩm văn hóa khác liên quan đến trà như: Trà cụ, ẩm thực, … đến với công chúng và du khách trong, ngoài nước.
Qua đó, hướng đến xây dựng lễ hội thường niên, tạo ra sản phẩm du lịch mới kết hợp du lịch văn hóa, ẩm thực, nghỉ dưỡng đặc sắc của thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam, góp phần giữ gìn và tiếp nối, phát triển văn hóa trà Việt.
Trong buổi giới thiệu về lễ hội văn hóa trà Việt Nam lần thứ nhất 2022 ở TP Hội An, ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP Hội An - cho biết, mặc dù Quảng Nam không phải là xứ sản xuất trà lớn của Việt Nam, nhưng hơn 400 năm trước, người dân nơi đây đã biết dùng trà để uống và chữa một số bệnh về dạ dày.
Bên cạnh đó, xứ Quảng từng là trung tâm giao thương thế giới với các quốc gia có văn hóa trà nổi tiếng như Trung Quốc, Nhật Bản, và một số quốc gia khác; chính những quốc gia đó đã đặt hàng đồ gốm làm trà cụ miền Trung Việt Nam và xuất khẩu qua thương cảng Hội An.
Ở Hội An từng có các hãng trà sản xuất, chế biến và xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Hiện Hội An vẫn còn lưu giữ các hiện vật liên quan. Đầu thế kỷ XX, ở Hội An có xưởng chè ông Rô Be, một doanh nhân người Pháp. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng cũng đã có vùng chè Phú Thượng đầu nguồn sông Vu Gia, vùng chè Hòa Sơn (Đà Nẵng); nông trường chè Quyết Thắng, Đức Phú và danh trà Mai Hạc từ nguồn Chiên Đàn.
Trà hiện hữu trong đời sống của người dân Hội An nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Song, chưa bao giờ trà được đề cập là một chủ thể - một đối tượng nghiên cứu khoa học, cũng chưa bao giờ được đề cập là một đối tượng để làm sản phẩm văn hóa du lịch.
"Với lễ hội văn hóa trà Việt Nam, đây là lần đầu tiên chúng ta tiếp cận trà ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đây không phải là sự kiện thuần túy về du lịch nhất thời, mà là một sự kiện hướng đến sản phẩm gắn liền quá khứ, hiện tại và đặc biệt gắn với một Hội An trong tương lai", ông Lanh nói.
Qua sự kiện này, Ban tổ chức muốn giới thiệu đến du khách, công chúng các loại trà, nhà sản xuất trà, các nghệ nhân, các trà thất, các nét đặc sắc về văn hóa trà Việt Nam.
Địa điểm lễ hội văn hóa trà Việt Nam lần thứ nhất 2022 tại Hội An được tổ chức trên trục đường Trần Phú, không gian các ngôi nhà cổ trong phố cổ Hội An, 10-15 điểm trà xanh, trà dân gian, trà lễ hội. Thời gian tổ chức trong 3 ngày, từ 30/12/2022-1/1/2023.
Dự kiến, Lễ hội sẽ có dự tham dự của đại diện các Bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành nổi tiếng với đặc sản trà như Thái Nguyên, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Nghệ An, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Yên Bái, Sơn La, Điện Biên,…Đại diện các hiệp hội liên quan ẩm thực trà, doanh nghiệp du lịch, lữ hành một số địa phương; các nghệ nhân, cơ sở sản xuất về trà và các sản phẩm liên quan đến trà. Tham tán văn hóa của các nước và vùng lãnh thổ có nền sản xuất trà nổi tiếng và có lượng khách du lịch lớn đến Hội An (Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Pháp, Anh,...).
Nhiều sự kiện sẽ được diễn ra tại lễ hội văn hóa trà Việt Nam như trình diễn, giao lưu giữa các nhà trà, nghệ nhân với du khách; giới thiệu các sản phẩm trà trên mọi vùng miền tổ quốc; các show trình diễn về trà như thiền trà, trà cung đình, trà Tây Bắc, trà Huế với việc biểu diễn thiền trà của các nghệ nhân.
Bảo An (t/h)