Lợi nhuận Tài chính Hoàng Minh (KPF) gấp đôi sau soát xét bán niên 2022

Sau soát xét KPF ghi nhận gần 56 tỷ đồng doanh thu tài chính, gấp hơn 2,2 lần báo cáo tự lập. Tuy nhiên, khoản doanh thu doanh thu thuần hơn 8 tỷ đồng và lãi từ công ty liên doanh, liên kết gần 3 tỷ đồng đã bị loại bỏ. Kết quả, lãi sau thuế của KPF tăng 101% lên 47 tỷ đồng.

Lợi nhuận Tài chính Hoàng Minh (KPF) gấp đôi sau soát xét bán niên 2022 - Ảnh 1

CTCP Đầu tư Tài chính Hoàng Minh (KPF) công bố BCTC soát xét bán niên 2022 với lợi nhuận sau thuế gấp đôi báo cáo tự lập.

Cụ thể, sau soát xét KPF ghi nhận gần 56 tỷ đồng doanh thu tài chính, gấp hơn 2,2 lần báo cáo tự lập. Tuy nhiên, khoản doanh thu doanh thu thuần hơn 8 tỷ đồng và lãi từ công ty liên doanh, liên kết gần 3 tỷ đồng đã bị loại bỏ. Kết quả, lãi sau thuế của KPF tăng 101% lên 47 tỷ đồng.

KPF cho biết doanh thu tài chính chủ yếu là lợi nhuận được chia từ Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm hơn 2,4 tỷ đồng và cổ tức được chia từ TTC hơn 26,6 tỷ đồng, cộng thêm hơn 9 tỷ đồng lãi từ chuyển nhượng 15 triệu cổ phần CTCP TTC Deluxe Sài Gòn.

Năm 2022, KPF đặt mục tiêu đạt 450 tỷ đồng doanh thu và 205 tỷ đồng lãi sau thuế, lần lượt gấp gần 4 lần và 2,7 lần thực hiện năm 2021. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, công ty mới thực hiện 23% chỉ tiêu lợi nhuận

Đáng chú ý, sau khi công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022, KPF thông báo thay đổi mô hình hoạt động và loại báo cáo tài chính.

Cụ thể, công ty thay đổi mô hình hoạt động từ có công ty con thành đơn vị không có công ty con và kế toán trực thuộc, chuyển loại hình báo cáo tài chính từ hợp nhất thành báo cáo tài chính riêng của công ty.

Vừa qua, Đầu tư Tài chính Hoàng Minh vừa có giải trình về việc cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 31/8 đến 8/9. 

Cụ thể, trong thời gian từ ngày 31/8 đế ngày 8/9, cổ phiếu KPF có 5 phiên giảm sàn liên tiếp, từ mức giá 21.050 đồng/cp xuống mức 15.850 đồng/cp, chưa dừng lại ở đó, sau phiên phục hồi xanh điểm ngày 9/9, cổ phiếu KPF lại tiếp tục "lau sàn" trong phiên hôm nay 13/9 xuống mức 15.300 đồng/cp. Như vậy, tính từ phiên cuối tháng 8 đến nay, cổ phiếu KPF đã giảm 27%.

Khối lượng giao dịch bình quân trong tháng qua cũng khá cao lên mức gần 200 ngàn đơn vị mỗi phiên.

Ngược lại, trước loạt phiên giảm sàn này, cỏ phiếu KPF đã chạy như điện để tăng gấp đôi trong thời gian từ 12/8 đến 29/8. Đó là hệ quả của 12 phiên tăng điểm liên tiếp của cổ phiếu KPF.

Theo KPF là do cung cầu của thị trường theo quyết định của các nhà đầu tư nằm ngoài sự kiểm soát của công ty.

Hiện tại KPF cũng chưa nhận biết được sự kiện, thông tin liên quan nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu KPF khiến cổ phiếu này tăng giảm liên tục trong thời gian vừa qua.

Theo KPF, trong trường hợp có các thông tin, sự kiện nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu KPF trong thời gian qua, KPF đề nghị HoSE thông tin đến công ty để có thể đưa ra ý kiến xác nhận hoặc đính chính, làm rõ sự kiện, thông tin đó. 

Trong khi trước đó, bà Thái Thị Hải Yến đã trở thành cổ đông lớn của KPF sau khi mua 1.15 triệu cp KPF vào ngày 26/7/2022. Sau giao dịch, bà Yến nâng sở hữu tại KPF từ 2.46 triệu cp (4.04%) lên 3.61 triệu cp (5.93%).