Số liệu thống kê của năm 2021, tỉnh Long An có số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 là 6.269 hộ nghèo, chiếm 1,31% và 11.570 hộ cận nghèo, chiếm 2,41%. Đến năm 2022, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, toàn tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều chiếm 3,28%; trong đó, tổng số hộ nghèo là 4.764 hộ, chiếm 0,99%, số hộ cận nghèo là 11.049 hộ, chiếm 2,29%.
Tính đến cuối tháng 6/2023, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh giảm xuống còn 3,21%, hộ nghèo giảm còn 0,97% và hộ cận nghèo giảm còn 2,24%. Dự kiến, đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 0,65%.
Xác định từ nay đếm năm 2025, tỉnh Long An sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo, phấn đấu thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đến cuối năm 2025 tăng lên 1,5 lần so với cuối năm 2020 và đến cuối năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn dưới 3%, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, xem công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Hàng năm, công tác giảm nghèo đều được đưa vào các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH; để chương trình giảm nghèo thực sự đạt kết quả theo chỉ tiêu đề ra, cả hệ thống chính trị cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền trong nhân dân, để người dân quyết tâm tự mình vươn lên thoát nghèo.
Để đạt những kết quả nêu trên, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Long An được giao khoảng trên 27 tỉ đồng để thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn, bãi ngang và phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững. Đặc biệt từ năm 2021-2023, tỉnh được giao trên 82 tỉ đồng vốn sự nghiệp thực hiện các dự án thuộc Chương trình giảm nghèo bền vững.
Vũ Cừ - Tây Nam/ VP ĐBSCL